Nông thôn mới: Đạt chuẩn và giữ chuẩn

18/01/2016 08:53

Kết luận tại buổi làm việc của tổ công tác Ban chỉ đạo trung ương về xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa qua, ông Tăng Minh Lộc – Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đủ điều kiện để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn các tiêu chí NTM.Đủ điều kiệnTổ công tác do ông Tăng Minh Lộc làm trưởng đoàn đã cùng với các thành viên của Bộ VH-TT&DL, Bộ TN&MT, Bộ Công an… đi kiểm tra, nhằm thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM tại huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn. Qua 2 ngày làm việc, đoàn đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại các xã đạt chuẩn NTM của 2 địa phương như xã Tam Dân, Tam Phước, Tam An… (Phú Ninh) và Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Quang, Điện Phong (thị xã Điện Bàn). Đoàn kiểm tra đặc biệt quan tâm đến tính bền vững của một số tiêu chí mà các xã đã đạt chuẩn, như: cảnh quan môi trường, thu nhập của người dân, an ninh trật tư… Qua kiểm tra, các thành viên tổ công tác đã đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân dân các địa phương trong phong trào xây dựng NTM.Nhờ làm tốt trong công tác thủy lợi hóa đất màu nên sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân xã Điện Quang có nhiều khởi sắc.Từ xuất phát điểm khá thấp, các xã của huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đã vươn lên, xây dựng đạt chuẩn NTM. Theo báo cáo kết quả xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, đến nay huyện Phú Ninh đã có 8/10 xã đã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm (tăng 14,62 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 là 3,55%. Trong khi đó, đến nay thị xã Điện Bàn có 10/13 xã đạt chuẩn NTM, còn 3 xã đạt trên 14 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 (chỉ tính 13 xã xây dựng NTM) là 26,442 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 là 3,61%. Qua 5 năm xây dựng NTM, huyện Phú Ninh huy động nguồn vốn xây dựng NTM là 1.128 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 127 tỷ đồng (chiếm 11,3%); thị xã Điện Bàn huy động được 1.256,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 130 tỷ đồng (chiếm 10,4%)…Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc trực tiếp với cơ sở, tổ công tác của trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh và huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn. Ông Tăng Minh Lộc đánh giá: “Mỗi một huyện như huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đều có những điều kiện khác nhau và cách làm xây dựng NTM cũng có những điểm không giống nhau. Nhưng qua kiểm tra thực tế về hệ thống hạ tầng, về sản xuất, về cảnh quan môi trường, về hoạt động văn hóa của các địa phương, đều thấy rằng vừa qua việc công nhận, đánh giá các xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Quảng Nam là có chất lượng. Và xét điều kiện tỷ lệ số xã đạt chuẩn, rồi vai trò chỉ đạo của các huyện để thúc đẩy xây dựng NTM của các xã trên địa bàn thì đều có nỗ lực cao. Với điều kiện như vậy thì huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đủ điều kiện để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn các tiêu chí NTM”.Nâng cao chất lượngĐánh giá về kết quả xây dựng NTM nói chung trên toàn tỉnh, ông Lộc cho biết: “So với một số địa phương khác, Quảng Nam là tỉnh có xuất phát điểm không cao. Khi bước vào xây dựng NTM thì số tiêu chí đạt được rất thấp, mới ở mức trung bình của cả nước. Những năm trước đây thì nguồn lực xây dựng NTM không được nhiều. Đặc biệt, có nhiều xã thuộc huyện 30a hoặc 135, tức là những xã nghèo. Tuy nhiên đến nay, Quảng Nam đã có 53 xã đạt chuẩn NTM, đó là tỷ lệ tương đối cao, và nếu như 2 đơn vị là huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn được công nhận là đạt chuẩn NTM thì Quảng Nam cũng là một địa phương mà có số huyện, thị xã đạt chuẩn NTM thuộc loại cao trong cả nước. Để có được thành quả đó, tôi nghĩ đó là sự nhiệt tình trước hết là của đội ngũ lãnh đạo của tỉnh, của các huyện và sự sáng tạo của nhân dân địa phương”.Dù có nhiều địa phương đạt các tiêu chí NTM nhưng theo ông Lộc đây mới là giai đoạn đầu bởi vì các tiêu chí chỉ là quy định của giai đoạn 2010 - 2020. Ông Lộc cho rằng, đạt chuẩn rồi nhưng để xây dựng một xã hội nông thôn văn minh thì còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, những xã đã đạt chuẩn NTM thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí mà có tính động lực như: mức thu nhập của người dân, môi trường cảnh quan nông thôn, hoạt động văn hóa, an ninh trật tự… Như vậy thì cuộc sống nhân dân mới được nâng cao, người dân mới được hưởng thụ cả vật chất lẫn tinh thần tốt hơn. Đơn cử như tiêu chí về môi trường cảnh quan. Theo đánh giá của tổ công tác, hiện nay các xã trên địa bàn huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn chỉ mới tương đối sạch rác, những nếu nói “xanh – sạch – đẹp” thì chưa có những mô hình, hiệu quả bền vững cao. Do đó, các xã đã đạt chuẩn phải đảm bảo thu gom và xử lý tốt hơn về vấn đề rác thải. Vận động các hộ gia đình phải có đủ 3 công trình vệ sinh thiết yếu, sửa sang lại vườn tạp, ao chuồng để có cảnh quan đẹp; cổng ngõ thì phải là hàng rào xanh, ngăn nắp, văn minh, sạch sẽ; cái chuồng trại chăn nuôi phải để xa nơi ở đủ tiêu chuẩn, các nghĩa trang thì phải được quy hoạch, quản lý nó tốt… Tổ công tác đánh giá cao việc quy hoạch nghĩa trang tại xã Điện Quang. Đó là xây dựng khu nghĩa trang - mỗi mộ chỉ được xây dựng với diện tích 6m2, độ cao có khống chế, có 2 lối đi xung quanh và tường bao hoặc cây xanh…Ông Phan Minh Dũng – Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn cho biết: “Đạt NTM đã là một sự cố gắng rồi, nhưng việc giữ và nâng chuẩn NTM là một vấn đề mà thị xã quan tâm nhất lúc này. Hiện nay, ban chỉ đạo xây dựng NTM của thị xã đã chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch để giữ và nâng chuẩn. Trong đó có việc nâng cao thu nhập của người dân, quan tâm đến những tiêu chí có vốn đầu tư ít, như cảnh quan môi trường, văn hóa, an ninh nông thôn… Có như vậy thì chúng ta mới xây dựng NTM một cách bền vững”. Để cụ thể hóa quyết tâm trên, vừa qua, tại kỳ họp HĐND cuối năm, thị xã Điện Bàn đã trình HĐND nhiều đề án, trong đó có đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của trung ương, đề án Giáo dục đào tạo để nâng cao nguồn nhân lực, đề án Tiếp tục thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thị xã để làm sao cảnh quan thực sự là “xanh – sạch – đẹp”.VINH ANH