Nông thôn mới giữa lòng Gò Nổi
Nhờ phát huy tối đa nội lực, thời gian qua xã Điện Trung (huyện Điện Bàn) thực hiện rất tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xứng đáng là “lá cờ đầu” của tỉnh...
Sắc xuân trên những cánh đồng
Về Điện Trung, mảnh đất giữa lòng Gò Nổi, qua những bãi biền trĩu nặng phù sa, đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn cây trái. Có lẽ, sau mấy trận cuồng phong và lũ dữ, bây giờ ông trời muốn bù đắp lại cho nhà nông. Lom khom cuốc chân ruộng đậu phụng trên cánh đồng Mã Ngói, thấy khách lạ, lão nông Nguyễn Ngạnh ở thôn Nam Hà 2 (Điện Trung) liền nghỉ tay, ông kể: “Vợ chồng tôi có 4 sào đất màu, năm trước hết chuyên canh ớt, tỉa đậu phụng lại đến trồng bắp lai, đậu cô ve. Sau 3 vụ sản xuất liên tục, trừ chi phí tôi lãi ròng không dưới 25 triệu đồng. Nếu có 1ha đất, thực hiện việc canh tác theo phương thức này thì mỗi năm tôi thu 120 - 130 triệu đồng”.
Lễ rước bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đình làng Đông Bàn. |
Lão nông Nguyễn Ngạnh dứt lời, nhìn sang người dẫn đường là ông Hồ Xuân Đáng - Phó ban Nông nghiệp xã Điện Trung, tôi nhận ngay những cái gật đầu. Ông Đáng cho biết, Điện Trung có 170ha đất màu. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, chính quyền địa phương đã đầu tư ít nhất 3 tỷ đồng để kéo 10km đường dây điện, khoan hàng loạt giếng đóng trên ruộng và lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nhằm chủ động cung ứng nước tưới. Ông Đáng phấn khởi: “Nhờ chú trọng việc liên doanh liên kết, tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, ứng dụng hiệu quả tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất nên nông dân trên địa bàn xã đã hình thành được hàng nghìn mô hình luân canh và xen canh cây công nghiệp ngắn ngày, rau đậu thực phẩm cho giá trị kinh tế rất cao. Năm 2013, bình quân 1ha đất màu mang lại cho nhà nông 100 - 120 triệu đồng, thậm chí nhiều gia đình thu nhập 200 - 300 triệu đồng. Đây là hướng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng đất này”.
Ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, hiện mỗi vụ người dân Điện Trung tổ chức sản xuất 245ha lúa. Nhờ thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa cách đây đã khá lâu nên việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ khâu làm đất và thu hoạch diễn ra rất thuận lợi. Ông Sơn hồ hởi: “Nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, áp dụng đại trà các gói kỹ thuật canh tác mới nên 4 năm gần đây Điện Trung liên tục được mùa. Nếu năm 2009 trở về trước năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 57 tạ/ha thì nay đã tăng lên 65 tạ/ha”.
Nông thôn khoác áo mới
Ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, từ năm 2011 đến nay, Điện Trung đã chi hơn 43 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, trong đó nhân dân đóng góp gần 12 tỷ đồng và 7.515 ngày công. Đầu năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 6,3%, đến cuối năm 2013 giảm xuống 4,2% và dự kiến năm 2014 sẽ còn dưới 3%. Dù triển khai xây dựng nông thôn mới cách đây chưa đầy 2 năm, nhưng đến nay Điện Trung đã đạt được 16 trong tổng số 19 tiêu chí do Trung ương quy định. Trong năm 2014, địa phương sẽ phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí còn lại là thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất để về đích sớm hơn 1 năm so với lộ trình. |
Ngày trước, đoạn đường hơn 600m ngang qua trung tâm hành chính xã Điện Trung rất nhỏ hẹp, thấp trũng và đầy ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại hết sức vất vả. Thế nhưng, bây giờ con đường này đã được nâng cốt nền, đổ bê tông phẳng lì và mở thành 2 chiều rộng thoáng. Đêm xuống, ánh đèn cao áp sáng rực, trông chẳng khác gì nơi phố thị. Theo ông Sơn, để mở rộng tuyến đường này từ 7m ra 19m, 34 hộ dân sống dọc 2 bên đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất và đập bỏ, tháo dỡ rất nhiều tường rào cổng ngõ, vật kiến trúc có giá trị. Ngoài trục lộ này, thời gian qua chính quyền xã cũng đặc biệt quan tâm đến việc kiên cố hóa hệ thống đường làng, ngõ xóm. Ông Sơn nói: “Với phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, đến nay 25km đường liên xã, liên thôn, liên xóm ở Điện Trung đã được bê tông hóa. Giao thông thuận lợi đã tạo động lực cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển”. Không chỉ vậy, trong tổng số 36km kênh mương thì những năm gần đây Điện Trung đã đầu tư xấp xỉ 11 tỷ đồng kiên cố hóa được 21km. Dự kiến năm 2014 này địa phương sẽ tiếp tục thực hiện 15km còn lại nhằm chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Xác định bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nên 2 năm qua Điện Trung cũng rất chú trọng đến khâu này. Ông Phạm Trường Giới - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho biết, đến nay đã có ít nhất 80% hộ dân tham gia dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, nhờ vậy tình trạng ô nhiễm môi trường cải thiện đáng kể. Được biết, thời điểm này Sở NN&PTNT cùng các ngành liên quan thuộc huyện Điện Bàn đang triển khai thi công nhà máy cấp nước sạch tại thôn Nam Hà 2 với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của hàng nghìn hộ dân vùng Gò Nổi.
Mấy năm gần đây bên cạnh việc tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thì Điện Trung cũng dành một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy học. Tất cả 5 ngôi trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn xã đã đạt chuẩn quốc gia. Ngoài chuyện trang bị đầy đủ giường bệnh cùng các y cụ cần thiết thì tại trạm y tế xã có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 nữ hộ sinh và 6 nhân viên y tế thôn nên công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân không ngừng nâng cao về chất lượng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở Điện Trung cũng được dấy lên mạnh mẽ, 3 năm liền (2011-2013) được công nhận là xã văn hóa và vinh dự đón nhận bằng khen của UBND tỉnh...
VĂN SỰ