Triển vọng Bình Lâm
Sáng mai 26.2, chính quyền và nhân dân xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) tổ chức lễ phát động xây dựng nông thôn mới, Đại hội TDTT lần thứ VII và đón nhận Bằng công nhận xã văn hóa. Đây là sự kiện trọng đại của địa phương sau những nỗ lực vượt bậc để bước qua khó khăn, thử thách.
Trung tâm hành chính xã được xây dựng khang trang. |
Thoát nghèo nhờ nông - lâm nghiệp
Với hơn 465ha đất trồng lúa mỗi năm, Bình Lâm được xem là vựa lúa lớn nhất Hiệp Đức và cũng chính là thế mạnh giúp nông dân thoát nghèo. Lão nông Trần Nhứt ở thôn Nhứt Tây có 6 sào lúa, những vụ gần đây mỗi sào ông thu được 300kg lúa khô, tăng 80kg so với năm 2007 trở về trước. Ông Nhứt hồ hởi: “Lúc xưa, tôi chỉ trồng lúa theo kinh nghiệm chứ không biết nhiều đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa thường thấp. Bây giờ thì đã khác, nhờ nguồn giống chất lượng, ứng dụng đại trà quy trình canh tác mới nên sản lượng tăng rất mạnh”. Năm năm trở lại đây nhờ đồng loạt đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất lúa như cấy mạ non theo gói kỹ thuật SRI, sử dụng công cụ sạ hàng, bón phân viên dúi sâu… nên nông dân Bình Lâm liên tục được mùa. Nếu năm 2008 năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 45 tạ/ha thì năm 2012 tăng lên hơn 53 tạ/ha.
Ông Lê Tấn Quán - Chủ tịch UBND xã cho rằng, cây lúa ở Bình Lâm tạo được bước đột phá là nhờ thời gian qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương nỗ lực đầu tư nhiều khâu. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho nông dân, chú trọng khảo nghiệm, chọn lọc giống thì xã đặc biệt quan tâm đến công tác thủy lợi. “Trong vòng 10 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Bình Lâm đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đập dâng, đập thời vụ, hồ chứa nước, trạm bơm điện, kiên cố hóa kênh mương… Hằng năm, xã dành ít nhất 100 triệu đồng từ ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng những công trình trọng yếu. Nhờ thế, dù là một xã thuộc vùng trung du nhưng đến nay trong tổng số hơn 465ha đất sản xuất lúa thì đã có 85% diện tích chủ động nước tưới” - ông Quán nói.
Trồng rừng kinh tế đang là hướng đi có nhiều triển vọng làm giàu cho người dân Bình Lâm. Dẫn chúng tôi thăm rừng keo lai rộng hơn 10ha của mình, ông Nguyễn Văn Bảy (thôn Hội Tường) phấn khởi: “Đầu năm ngoái, thu hoạch toàn bộ diện tích rừng này, trừ chi phí tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao nên tôi lập tức xử lý thực bì, cải tạo đất để đầu tư trồng lại. Bây giờ rừng keo đã tươi tốt, vài năm nữa hy vọng sẽ cho thu nhập khá”. Thời gian qua xã Bình Lâm đã tiến hành giao hơn 877ha đất trống, đồi núi trọc cho gần 310 hộ dân trên địa bàn. Hiện toàn bộ số diện tích này đã được phủ xanh bởi những cánh rừng keo lai. Theo thống kê, hằng năm nông dân đưa vào khai thác khoảng 25 - 30ha, thu về hơn 1,2 tỷ đồng.
Nhiều mô hình trồng chuối lùn chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.SỰ |
Cuối năm 2009 đến nay Bình Lâm cũng đặc biệt chú ý đến cây cao su tiểu điền với mục tiêu biến loại cây trồng này thành hướng phát triển kinh tế chiến lược. Ông Lê Anh – Phó ban Nông nghiệp xã chia sẻ: “Thời gian qua rất nhiều hộ dân ở thôn Lộc An, Hội Tường, Ngọc Sơn, Nhứt Đông đã tổ chức trồng hơn 42ha cao su tiểu điền. Qua theo dõi cho thấy tất cả vườn cây đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chừng 3 năm nữa thôi thì nhiều gia đình sẽ tiến hành khai thác lứa đầu, ước tính mỗi năm 1ha cao su cho thu nhập gần 100 triệu đồng”.
Phát triển công nghiệp - dịch vụ
Triển khai xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã Bình Lâm chọn công nghiệp – dịch vụ làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Chỉ vài năm nữa, khi đưa vào hoạt động, chắc chắn cụm công nghiệp Gò Hoang sẽ làm thay đổi diện mạo của Bình Lâm. Ông Lê Tấn Quán nói: “Với diện tích rộng 6ha và được bố trí 5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, sau khi hoàn tất, cụm công nghiệp này sẽ thu hút ít nhất 6 doanh nghiệp vào đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động của xã, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp – dịch vụ phát triển”. Cũng theo ông Quán, Bình Lâm vốn dĩ đã hội tụ nhiều yếu tố vượt trội để phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ vì có trục quốc lộ 14E đi qua và một tuyến đường ĐH tạo thuận lợi thông thương với các huyện lân cận. Ngoài ra, chợ Việt An là chợ đầu mối có diện tích 6.000m2 đất với hơn 200 hộ tiểu thương buôn bán… Chính nhờ những điều kiện này mà hiện nay trên địa bàn có đến 366 hộ kinh doanh buôn bán.
Theo đề án, tổng vốn xây dựng nông thôn mới xã Bình Lâm giai đoạn 2012-2020 gần 270 tỷ đồng. Bình Lâm phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu cơ bản như sau: cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 60%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 18%, thương mại - dịch vụ 22%, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm và hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 314 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 15,74% vào năm 2015 và dưới 5% vào năm 2020.ải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Yangon (Myanmar)… |
Những năm qua, việc đa dạng hóa ngành nghề phi nông nghiệp cũng được Bình Lâm quan tâm nhiều hơn. Trong đó, nghề mộc đang dần có bước phát triển nổi trội. Hiện toàn xã có 50 xưởng mộc lớn nhỏ đang hoạt động rất hiệu quả. Ông Trần Văn Diệu (thôn Nhứt Tây) đang làm chủ một xưởng mộc tại nhà, nhờ ăn nên làm ra nên xưởng của ông luôn thường trực 6 nhân công. Ông Diệu cho biết: “Đó là chưa kể lao động thời vụ, vào dịp tết khách đến đặt hàng nhiều nên tôi phải thuê số lượng người làm lên gấp đôi mới đáp ứng nhu cầu. Mong muốn lớn nhất của tôi là chính quyền sớm hỗ trợ thành lập hợp tác xã để các xưởng gắn kết với nhau nhằm tạo ra sức mạnh và thương hiệu”. Biết được ý nguyện của người dân, lãnh đạo xã đang làm những thủ tục cần thiết để đề nghị các đơn vị liên quan cho phép thành lập một hợp tác xã nghề mộc. “Nghề mộc ở Bình Lâm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhiều địa phương khác cũng thừa nhận thợ Bình Lâm có tay nghề cao. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ này chắc chắn sẽ giúp không ít lao động ly nông có được công ăn việc làm ổn định” – ông Quán khẳng định.
Xây dựng đồng bộ hạ tầng
Xác định quy hoạch là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nên chính quyền xã Bình Lâm đã đi trước một bước. Từ tháng 4.2012, công tác quy hoạch đã được triển khai dưới sự tư vấn của Công ty Tư vấn kiến trúc - quy hoạch Royawa và dự kiến đến cuối quý 1/2013 này sẽ hoàn thành với tổng kinh phí 320 triệu đồng.
Để Bình Lâm trong tương lai phát triển đồng đều thì hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn luôn được xã quan tâm đúng mức. Năm 2012, tuyến đường từ trung tâm xã đi thôn Nhì Đông dài 200m đã được bê tông hóa khiến người dân hết sức vui mừng. Để kiên cố hóa con đường này, ngoài khoản hỗ trợ 114 triệu đồng của Nhà nước, nhân dân địa phương còn đóng góp thêm 60 triệu đồng. Đây chỉ là một trong 10 tuyến đường được bê tông hóa trong năm 2012. Dự kiến, năm 2013 Bình Lâm sẽ đầu tư 1,4 tỷ đồng bê tông thêm 7 tuyến đường liên thôn, liên xóm với chiều dài xấp xỉ 2,2km. Đến nay gần 18km đường liên thôn, liên xóm của xã đã được bê tông hóa với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,6 tỷ đồng. Không chỉ vậy, người dân còn hiến đất, vật kiến trúc… với tổng giá trị 100 triệu đồng. Ngoài ra, tuyến ĐH Việt An – Bình Sơn dài 4km và trục đường ĐX dài 7km cũng được thảm nhựa, bê tông hóa tạo thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của nhân dân.
Ngoài việc tập trung thi công hạ tầng giao thông, Bình Lâm cũng luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay chợ Việt An đã xây dựng xong hệ thống xử lý, thu gom nước thải và rác thải, thời điểm này xã đang nỗ lực hình thành thêm 7 điểm thu gom rác thải tập trung. Hiện Bình Lâm đã có 2.122 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Dự kiến trong năm 2013 này nhà máy nước sạch Việt An đi vào hoạt động sẽ đảm bảo phục vụ cho khoảng 70% tổng số hộ trên địa bàn xã.
Đến nay, Bình Lâm đã đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm điện, y tế, giáo dục, chợ, hệ thống chính trị, an ninh trật tự. Tuy còn nhiều thách thức nhưng hy vọng chính quyền và nhân dân địa phương sẽ chung tay vượt khó để xây dựng Bình Lâm trở thành xã nông thôn mới vào năm 2020.
VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO