Ùa ra biển!
Cái cảm xúc náo nức kiểu trẻ con đó giờ đây lại thường xuất hiện trong tôi mỗi khi về với biển. Bãi biển mà tôi thường tắm vào buổi sáng, mùa nắng nóng này đông nghịt người. Đây thực sự là cái công viên hữu ích cho cộng đồng.
Nhiều người lớn tuổi, khó ngủ, 4 giờ sáng đã thấy có mặt tại bãi biển; có hôm biển động ầm ầm, dân “chuyên nghiệp” vẫn mang tơi đội nón đi... dạo. Những ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội, bãi biển bị phong tỏa, vậy mà nhiều người vẫn lén ra biển bằng các lối đi của dân. Thậm chí có người đến bãi biển nhưng không thể tự đi đứng được, vẫn nghĩ biển là vị “bác sĩ” dịu dàng. Người ta tin rằng biển còn có thể chữa lành một số căn bệnh mạn tính phát sinh do lối sống hiện đại...
Dọc theo chiều dài của vùng duyên hải miền Trung, biển giờ đây đã trở thành “mặt tiền” nền kinh tế của nhiều địa phương, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ du lịch. Chiến lược phát triển kinh tế biển đã được nhiều địa phương xây dựng và dựa chủ yếu vào lợi thế từ biển. Theo đó, những công trình sát biển mọc lên, nhiều khu đô thị hình thành, đất đai nóng sốt... Cái lợi thế trước mắt được nhiều người nhìn thấy ở vùng ven biển là bất động sản. Nguồn tiền đầu tư bất động sản ùa từ phố xuống biển trong những năm qua, cứ như cơn sóng lúc cồn cào, lúc dịu êm nhưng vẫn đều đặn tấp vào bờ.
Thật khó có những con số thống kê về những “cơn sóng” ấy, ngay cả số lượng bất động sản và chủ sở hữu nó đôi khi cũng không rõ ràng. Như văn bản trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng mà báo chí đăng tải, rằng từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, một số thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc. Các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê đất của UBND TP.Đà Nẵng. Thông tin này đang được ngành TN&MT Đà Nẵng rà soát, làm việc với các cơ quan chức năng liên quan. Biển rõ ràng đang thu hút làn sóng đầu tư nhờ lợi thế của mình và tạo ra những lợi ích thiết thực, dù không ít lo ngại về mật độ dân cư và công trình tăng lên, sẽ thêm nguy cơ sóng gió và rác rến từ biển tấp vào...
Tháng 6 bắt đầu bằng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam. Trên trang cá nhân, nhiều đồng nghiệp tôi nhắc lại kỷ niệm về những chuyến đi Trường Sa, Hoàng Sa. Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng có dịp ra Trường Sa. Cảm xúc ùa đến khi đặt chân lên Trường Sa Lớn - mảnh đất nhỏ bé và thiêng liêng giữa muôn trùng sóng vỗ. Trường Sa, Hoàng Sa là nơi rất khó có cơ hội đi với những người làm báo, nên kỷ niệm bao giờ cũng mặn mòi mỗi khi nhắc lại.
Thông tin về miền biên hải mà những người làm báo mang về, rất dễ đọc được cảm xúc tự hào về những con người ngày đêm kiên cường bảo vệ từng tấc biển đảo của Tổ quốc. Trường Sa thật sự không xa đất liền với những người lính giữ đảo khi mỗi ngày trên mặt biển, vẫn thấy sự hiện diện của hàng nghìn người dân với công cuộc mưu sinh nhộn nhịp...
Tuần lễ biển và hải đảo đang diễn ra với nhiều hoạt động, là dịp để mỗi người có thể hành động vì sự bình yên của biển đảo. Ví như có thể bắt đầu nhặt một cọng rác trên bãi biển, và không chỉ có một tuần!