Mơ về nơi xa

C.B.L 29/08/2019 13:37

Hành trình từ New South Wales về Việt Nam. Từ sân bay quốc tế Sydney (Kingsford Smith) tôi đáp chuyến bay về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sau đó nối chuyến về sân bay Chu Lai. Những ai từng đi máy bay đều có thể mường tượng quang cảnh chung (về số lượng máy bay, hành khách, hàng hóa, an ninh, trang thiết bị cơ sở vật chất khác) ở các sân bay thương mại này. Nó giống như bạn vừa đi từ một chốn náo nhiệt hội hè ở các phim trường hollywood về làng quê xa xôi hẻo lánh.

Thông tin ngắn gọn bạn có thể tìm được ở Bách khoa toàn thư mở Wikipedia về sân bay Chu Lai: “Ngày 22.2.2004, nhà ga hành khách được khởi công xây dựng. Ngày 22.3.2005, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đã hạ cánh xuống đây. Sân bay Chu Lai có diện tích lớn nhất trong các sân bay Việt Nam, với 3000ha. Đường băng dài 3050m. Trong thời kỳ chiến tranh, máy bay B-52 thường cất hạ cánh ở đây”.

“… Màu đất bãi biển ở mặt đông sân bay? Cát trắng, đôi chỗ trắng xám, dưới các vạt dương liễu có lá rụng màu nâu đen… Mặt đường băng nhiều bụi, có hai chiếc xe hút bụi rất to làm việc vào buổi trưa, khi máy bay ngớt lên xuống,… công sự pháo của nó để hở mặt lưng quay vào căn cứ”. Đó là vài mô tả của nhân vật Thiêm (trong “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ) sau hai ngày nằm trong hố cát trước nhà ga tàu bay của Chu Lai. Tôi đọc lại, để có hình dung đầy đủ về con đường rất dài và rất xa của một sân bay quân sự thời chiến và sân bay thương mại hiện nay.

Tin mới nhất về quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không Chu Lai đến năm 2030 có lẽ Wikipedia chưa kịp cập nhật. Điều quan trọng thổi luồng gió mới và cảm hứng rào rào suốt mấy ngày qua ở Quảng Nam, là việc sân bay Chu Lai đón được loại máy bay thân rộng như Airbus A380 hay Boeing 747-8 vào năm 2030. Đó là đoán định dựa trên mục tiêu quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I; công suất là 5 triệu hành khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code F và tương đương trở xuống; số vị trí đỗ là 16 vị trí máy bay code C, D, E, F… Cùng lúc đó, chuyện Công ty CP hàng không Thiên Minh xin chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai càng khiến câu chuyện trở nên xôm tụ hơn. Bởi, theo “giới thiệu năng lực” của công ty này, đến năm 2024, đội bay của KiteAir dự kiến có quy mô 30 chiếc, trong đó 15 máy bay ATR-72 và 15 máy bay A320/A321 hoặc tương đương.

Chỉ 11 năm nữa thôi. Hai nhiệm kỳ. Quảng Nam có kịp làm mọi thứ để biến quy hoạch này thành hiện thực? Các bộ ngành ở trung ương, doanh nghiệp và địa phương - bộ ba tạo thành thế chân vạc đó, với hơn 10 năm, liệu có thể tạo ra đột phá cho sân bay Chu Lai? Không ai đánh thuế giấc mơ. Tôi vẽ ra cảnh tượng khách đông nghẹt, rồng rắn xếp bao nhiêu hàng ngang dọc, nhân viên sân bay, tiếp viên hàng không... đi lại thoăn thoắt như thoi đưa. Từ Chu Lai, Boeing 747 cất cánh ở đường bay quốc tế; ở những vị trí đỗ khác, là hàng loạt máy bay lớn từ các nước hạ cánh. Tôi mơ như vậy đó, dù hiện tại, ở Cảng hàng không Chu Lai, mỗi ngày chỉ vài chuyến bay đến và đi...

C.B.L