Chống chọi với khô hạn

HOÀNG LIÊN 10/07/2013 08:33

Chưa bao giờ nhiều nơi tại xã Duy Hòa (Duy Xuyên) lại “khan” nước như hiện nay. Không chỉ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân nơi đây còn gặp khó khăn khi nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt.

Tiết kiệm nước tưới

Thiếu hụt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và tại xã Duy Hòa tình hình đã ở mức báo động. Nguồn nước tưới đã suy kiệt ở thời điểm cuối vụ đông xuân, bước qua vụ hè thu nước càng trở nên khan hiếm. Từ vụ đông xuân, xã Duy Hòa đã chuyển đổi 28ha sản xuất lúa kém hiệu quả và thiếu hụt nghiêm trọng nước tưới sang trồng bắp, đậu phụng. Vụ hè thu này nguồn nước thủy lợi hầu như được ưu tiên phục vụ sản xuất lúa nên nguy cơ một diện tích hoa màu không nhỏ phải điêu đứng vì thiếu nước. “Nắng nóng kiểu ni không có cây chi chịu nổi trên cái đất khô cằn này, chỉ may ra có cây sắn mới chịu nổi. Ngay cả đất vườn nhà cũng bỏ hoang, không trồng được cái rau, cây chuối vì lấy đâu ra nước tưới. Mấy năm ni đồng “nước trời” bị bỏ hoang, có năm thuận lợi, bà con còn gieo sạ được 1 vụ/năm (tức vụ đông xuân), bây giờ nhiều hộ không muốn gieo sạ vì lo thiếu nước” - bà Nguyễn Thị Hồng (thôn 4, xã Duy Hòa) cho biết. Ông Huỳnh Thà - cán bộ khuyến nông thôn 4, chia sẻ: “Phần đông bà con thôn này chỉ sống bằng nghề nông, đời sống gặp nhiều khó khăn, cây hoa màu không mang lại hiệu quả kinh tế như ở nhiều nơi vì không có nước tưới. Diện tích đất màu toàn thôn gần 28ha nhưng phần lớn bị bỏ hoang”.

Nhiều hộ dân thôn 4 xã Duy Hòa đang thiếu nước uống, nước sinh hoạt. Ảnh: H.L
Nhiều hộ dân thôn 4 xã Duy Hòa đang thiếu nước uống, nước sinh hoạt. Ảnh: H.L

Theo ông Nguyễn Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa, nguồn nước phục vụ sản xuất toàn xã chủ yếu lấy từ đập Vĩnh Trinh. Thời điểm nắng gắt như hiện nay, mực nước hồ đập xuống rất thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có khoảng 200ha đất sản xuất hoa màu nhưng có đến 50% diện tích thiếu nước tưới nếu thời tiết cực đoan cứ tiếp diễn. Do sản xuất hoa màu gặp khó khăn nên cây trồng chủ lực tại Duy Hòa vẫn là cây lúa, chiếm khoảng 475ha. Ở vụ hè thu 2013, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được duy trì như ở vụ đông xuân 2012-2013, hiện có nhiều diện tích lúa bị thiếu nước tưới nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp nhiều khó khăn.

Ông Dân cho biết, để ứng phó với khô hạn, trước hết địa phương khuyến cáo nông dân tập trung gieo trồng giống lúa trung và ngắn ngày. Trước khi tiến hành gieo sạ, công tác khoanh vùng đối với cơ cấu giống lúa được tiến hành nhằm chủ động nguồn nước tưới. Việc tưới cho cây lúa được thực hiện luân phiên, vào những thời kỳ quan trọng để cây lúa sinh trưởng, phát triển và cần đến nước, sau khi tưới xong khu vực đồng này sẽ cắt nước để đảm bảo nước cho những đồng khác. Giải pháp phòng chống hạn được triển khai trên diện rộng, bên cạnh việc nạo vét kênh mương, tu sửa, nâng cấp trạm bơm, đắp đập bổi tại các dòng khe để giữ nước, chủ động tích nước tại các ao hồ chứa..., địa phương còn vận động người dân đắp bờ giữ nước. Tất cả mọi phương án tiết kiệm nước đều được triển khai, tận dụng tối đa nguồn nước.

Khan hiếm nước sinh hoạt

Đã gần tuổi 60 nhưng ngày nào bà Nguyễn Thị Hồng cũng phải quẩy đôi thùng sang nhà hàng xóm xin nước về dùng. Nước bà gánh về, dù 8 thành viên trong gia đình phải sinh hoạt dè sẻn, tiết kiệm nhưng vẫn không đủ dùng trong ngày. Riêng nước uống, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây lâu nay phải mua nước bình về uống vì nguồn nước giếng đã bị kiệt, nhiều giếng lại bị nhiễm phèn màu, phèn vôi khiến ai cũng lo ngại về sức khỏe. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng mỗi tháng mùa nắng, nhà bà Hồng phải bấm bụng chi tiêu từ 150 - 200 nghìn đồng cho nước bình. “Giếng đóng của nhà sâu tới gần 40m nhưng tới mùa nắng là cạn nước, lâu ni tôi phải gánh nhờ hàng xóm, nhưng nước khi có khi không bởi nhiều nhà cũng như tôi. Khu vực ni chỉ có mấy cái giếng là có mạch nước tốt, rứa là nhiều hộ đến xin nước. Mỗi người chỉ được gánh 1 - 2 đôi là cùng, vất vả lắm” - bà Hồng nói.

Tại xã Duy Hòa, những hộ có giếng đào, giếng đóng bị cạn kiệt nước rầu rĩ đã đành, ngược lại, có hộ dù giếng nhiều nước nhưng lại không ai dám uống, sinh hoạt bởi nguồn nước bị ô nhiễm. Bà Hồ Thị Bích Thiều, người dân tổ 1 (thôn 4) chia sẻ: “Chỉ quanh một xóm nhỏ mà giếng đào, giếng đóng mỗi nhà gặp mỗi hoàn cảnh khác. Giếng nhà tôi mùa này có màu ngà, nhưng mùa mưa tới là chuyển sang đục nên chỉ dùng để sinh hoạt. Còn nước uống thì từ lâu gia đình tôi đã quen sử dụng nước bình”. Gia đình ông Nguyễn Quang Ba, hàng xóm bà Thiều cũng rơi vào cảnh tương tự. Lúc trước, ông có 1 giếng đào nhưng thiếu nước, ông tiếp tục đóng thêm 1 giếng nữa nhưng cả 2 giếng hiện nay không uống được vì nước đục, chỉ dám sử dụng làm nước sinh hoạt sau khi đã lọc kỹ, còn nước uống thì phải đi mua như các gia đình khác.

Ông Nguyễn Dân cho biết, khu vực thôn 4 và thôn 5 Duy Hòa có khoảng 700 hộ dân đang thiếu nước sạch nghiêm trọng. Bà con chủ yếu sử dụng giếng đào, giếng đóng, trong khi nguồn nước giếng mùa này hầu như bị khô kiệt. Trên địa bàn xã hiện chỉ có 1 công trình nước sạch do tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ từ năm 2006, chỉ cung cấp cho khoảng 300 hộ thuộc khu vực trung tâm xã. Nhưng, hiện việc cấp nước gặp sự cố, khi có khi không, hoặc có khi khu vực ở gần đài là có nước nhưng khu vực ở xa thì nước không tới được. Cũng theo ông Dân, mới đây, Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) đã tài trợ 300 triệu đồng để thực hiện công trình cấp nước cho thôn 4, khu vực đang khát nước nghiêm trọng. Từ nguồn hỗ trợ này, địa phương sẽ tiếp tục huy động nhiều nguồn khác để nhanh chóng giải quyết vấn đề nước sạch trong thời gian gần nhất.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN