Ứng phó với biến đổi khí hậu: “Lá chắn” của vùng dễ bị tổn thương

TRẦN HỮU 09/07/2013 08:12

Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) được xem là một trong những nội dung quan trọng tác động lớn đến sự phát triển bền vững, quyết định tăng, giảm tốc độ GDP của tỉnh. Do vậy, phương án chủ động phòng tránh thiên tai đã được chuẩn bị rất chi tiết.

Tại hội nghị “Tập huấn cơ chế tài chính chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH” diễn ra tại TP.Tam Kỳ vừa tổ chức, các Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - đầu tư nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế chậm hay nhanh của 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai phụ thuộc lớn vào thái độ ứng phó với BĐKH.

Giải quyết an sinh

Kết quả vận động tài trợ quốc tế trong 3 năm (2010-2012) qua tại Việt Nam cho thấy đã có 165 hành động chính sách ưu tiên đầu tư hợp phần thích ứng, giảm thiểu, khung thể chế và chính sách liên ngành về BĐKH. Diễn đàn đối thoại chính sách về BĐKH giữa các bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã tổ chức thường niên nhằm “bắt tay” trong cuộc vận động, đầu tư hiệu quả nhất. Quảng Nam và Bến Tre là 2 tỉnh được Trung ương chọn làm thí điểm của cả nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010 - 2015, do Vương quốc Đan Mạch tài trợ. Các năm đầu của chương trình, phần lớn hạng mục công trình đầu tư cho các địa phương đều tập trung vào giảm thiểu thiệt hại của BĐKH và nước biển dâng.

Vùng ven biển vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng.  TRONG ẢNH: Bãi neo đậu tàu thuyền ở Cửa Đại, TP.Hội An.
Vùng ven biển vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng. TRONG ẢNH: Bãi neo đậu tàu thuyền ở Cửa Đại, TP.Hội An.

Là xã có hơn 50% hộ nghèo, Quế Lâm (Nông Sơn) luôn bị tổn thương nặng nề do BĐKH gây ra. Nằm phía thượng nguồn sông Thu Bồn, Quế Lâm là vùng “rốn lũ”. Thiệt hại mỗi năm càng tăng do nơi đây chưa được đầu tư hạ tầng kiên cố. Trong khi đó, trong số 15.450ha tổng diện tích tự nhiên của xã thì chỉ có 58ha (0,38%) là địa hình bằng phẳng để xây dựng nhà ở và trồng lúa. Cái vòng đói nghèo cứ luẩn quẩn càng làm cho người dân địa phương không có nguồn lực cũng như khả năng để thích ứng với BĐKH. Vì vậy, từ tháng 7.2012 đến nay, chương trình ứng phó BĐKH do nhà tài trợ DANIDA và ngân sách địa phương đã giải phóng mặt bằng, san lấp đất trên vùng lũ để xây dựng khu tái định cư rộng 3,2ha, giúp 100 hộ nghèo dễ bị ảnh hưởng nhất giảm mất mát tài sản khi lũ về. Theo UBND xã Quế Lâm, hiện tại mặt bằng, đường bê tông, điện, hệ thống cấp thoát nước đã hoàn thiện, dự kiến trước mùa mưa năm nay sẽ di dời khoảng 20 hộ dân ra sinh sống. Tính ưu việt của khu đất mới này là bố trí gần đồng lúa sản xuất của người dân. Mỗi khi có lũ về, chính quyền sẽ không phải mất nhiều chi phí, thời gian để sơ tán và cứu hộ.

Trong kế hoạch hành động về ứng phó với BĐKH của tỉnh đến năm 2030, theo kịch bản thì phần lớn các huyện, thành phố ven biển địa hình trũng thấp sẽ bị ngập lụt do nước biển dâng và bão lớn. Trong số các địa phương ven biển, Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là một trong nhưng xã trực tiếp hứng chịu thiên tai bão lũ do địa hình bao bọc bởi biển và sông. Phần lớn nhân dân sống bằng nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản ven bờ. Vào mùa lũ, họ gặp khó khăn trong việc đi lại, buôn bán vì đường sá bị ngập lụt. Cuối năm 2012, một con đường dài 4km, hệ thống thoát nước với kinh phí hơn 9 tỷ đồng được đầu tư đến nay đã hoàn thành, giúp địa phương không bị chia cắt, cô lập vào mùa lũ. Con đường sau khi nâng cấp, mở rộng đã giúp 6.000 cư dân của xã hưởng lợi, giúp người dân có thể sơ tán khi cần thiết, vừa đảm bảo sinh kế bền vững như thông suốt hàng hóa quanh năm.

Giảm rủi ro sản xuất

Ba năm qua (2010 - 2012) các nhà tài trợ quốc tế đã đầu tư 650 triệu USD cho Việt Nam thực hiện các chương trình ứng phó với BĐKH. Giai đoạn 2013 - 2015, các nhà tài trợ tiếp tục cam kết hỗ trợ. Riêng tại Quảng Nam, dự án BĐKH do Vương quốc Đan Mạch đầu tư hơn 20 dự án với tổng nguồn vốn gần 151 tỷ đồng đã và đang được triển khai. Ngoài ra, từ chương trình “Ứng phó hỗ trợ với BĐKH”, TP.Hội An cũng đang triển khai một số hợp phần với tổng nguồn vốn 150 tỷ đồng.

Thời gian qua, ngoài các công trình xây dựng hạ tầng, ổn định dân sinh xã hội, các chương trình BĐKH còn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giúp nông dân hạn chế rủi ro khi canh tác trên đồng ruộng. Đến nay, dự án nâng cấp thủy lợi kết hợp đường giao thông triển khai tại xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) với nguồn vốn gần 8 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng. Thực tế, tại các thôn Dưỡng Mông Đông, Dưỡng Mông Tây và Bà Rén (xã Quế Xuân 1) nơi có hệ thống thủy lợi bằng đất đã xuống cấp nặng. Vào mùa mưa, nước chảy thường bị chặn dòng hoặc chảy chậm, trong khi mùa khô trên đường tới các ruộng và vườn cây ăn trái, một lượng nước dồi dào đã bị rò rỉ. Với nguồn vốn tài trợ, 1,6km kênh thủy lợi đã được nâng cấp bằng bê tông và xây dựng một con đường cứu hộ rộng 5m liền kề đã “giải hạn” được hàng trăm héc ta lúa. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn, công trình đưa vào sử dụng cuối năm vừa qua đã nâng cao hiệu quả sử dụng nước tưới trên ruộng đồng. Trong diễn biến thời tiết được dự báo ngày càng khắc nghiệt, việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguồn nước có giới hạn cũng được xem là giải pháp tốt với ứng phó với BĐKH hiện nay. Người dân thôn Bà Rén cho biết, sản lượng lúa thu hoạch vụ gần đây tăng 0,2 tấn/ha và đặt niềm tin vụ hè thu tới sẽ tăng năng suất hơn nữa. Tương tự, công trình nâng cấp kênh mương thủy lợi tại xã Quế Phong (Tiên Phước) đã giảm đáng kể lượng nước tưới tiêu bị mất do rò rỉ trong mùa khô và đủ sức phục vụ cho 200ha lúa nước ở các thôn An Long và Gia Cát Tây – xã Quế Phong.

Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2025, vùng ven biển và đồng bằng sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của nước biển dâng, bởi nơi đây hạ tầng chống chịu kém với lũ lụt, nạn xói lở bờ biển luôn đe dọa. Những người nghèo sống ở các vùng ven biển và các khu miền núi là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi BĐKH và nước biển dâng. Vậy nên, chính quyền các địa phương cần nâng cao năng lực lãnh đạo để quản lý và huy động tốt hơn các nguồn lực bên ngoài và triển khai các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách chủ động hơn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU