Rừng Trà My chưa yên
Dù địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi nhưng sau một thời gian tình trạng khai thác vàng trái phép lại tiếp tục tái diễn ở Nam Trà My.
Băm nát sông Bua
Từ trung tâm xã Trà Vân (Nam Trà My), phải mất gần nửa ngày đi bộ cắt rừng mới đến được sông Bua, nơi hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay. Dọc theo sông Bua tính từ khu vực giáp ranh với xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đến địa phận giáp ranh xã Trà Giáp (Bắc Trà My) đang có nhiều nhóm “vàng tặc” lập lán trại, hoạt động công khai. Dòng sông Bua chảy qua khu vực này đỏ ngầu bùn đất, đá sỏi bồi lấp hai bên bờ, có nơi chỉ còn lại một khe nước. Từ ngã ba khe Lũ trở đi, “vàng tặc” ngang nhiên khoét sâu hàng chục mét vào cánh rừng nguyên sinh hai bên bờ sông. Những thân cổ thụ bị khoét đứt chân rễ, nằm ngổn ngang bên cạnh những hố sâu hoắm. Ông Hồ Văn Vinh - Phó Trưởng Công an xã Trà Vân cho biết: “Từ nhiều năm nay, nạn khai thác vàng trái phép hoạt động âm ỉ tại các cánh rừng dọc sông Bua. Chỉ tính riêng địa bàn xã Trà Vân, “vàng tặc” đã băm nát hàng chục cây số dọc theo dòng sông, làm thay đổi dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, xâm lấn nhiều diện tích rừng ven sông để lấy đất làm vàng. Chính quyền xã đã tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra, truy quét nhưng lợi dụng địa hình phức tạp, lại nằm ở vùng giáp ranh nên các đối tượng vẫn lén lút hoạt động tại khu vực này”.
Đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy kiểm tra một điểm khai thác vàng trái phép ở địa phận giáp ranh giữa xã Trà Vân (Nam Trà My) với xã Trà Giáp (Bắc Trà My). Ảnh: P.GIANG |
Từ ngã ba Khe Lụt, ngược dòng sông Bua đến ngã ba Cây Sanh kéo dài tới địa phận thôn 2, xã Trà Vân (vùng giáp ranh với thôn 5, xã Trà Giáp, Bắc Trà My), chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều lán trại của “vàng tặc”. Ông Nguyễn Văn Cương, chủ một nhóm “vàng tặc” người Ninh Bình đang hoạt động tại khu vực này cho biết, đã tiến hành khai thác được gần 1 tháng nay với 2 dàn máy cùng 12 nhân công đều là người từ Ninh Bình. Cách địa điểm khai thác của ông Cương chưa đầy 100m cũng có một lán trại khác của nhóm người Thanh Hóa đang vận chuyển máy móc, chuẩn bị lắp ráp phục vụ khai thác vàng. Ông Nguyễn Hồng Huế, cán bộ địa chính xã Trà Vân cho biết thêm, cách đây chưa đầy một tháng, lực lượng chức năng của xã phát hiện, đẩy đuổi một nhóm hơn 40 người sử dụng xe múc theo đường từ Trà Giáp ngược lên địa phận thôn 2, xã Trà Vân để khai thác vàng.
Khó xử lý dứt điểm
Trong chuyến khảo sát thực tế được tổ chức vào ngày 13 và 14.5 về tình hình quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản tại huyện Nam Trà My theo Chỉ thị số 08- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn kiểm tra Tỉnh ủy phát hiện nhiều điểm nóng khai thác vàng trái phép đang tàn phá môi trường và nguồn tài nguyên. Trưởng đoàn kiểm tra, đồng chí Trần Kim Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, địa phương cần kiên quyết hơn nữa trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện. Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân, đơn vị liên quan khi địa phương để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mình. |
Theo ông Nguyễn Thanh Tòng - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản) đến nay, Đội kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức trên 25 đợt truy quét, đẩy đuổi các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép tại các địa bàn “nóng” như đầu nguồn sông Nước Xa, dọc sông Bua hay địa bàn thôn 2, thôn 3 (xã Trà Leng). Qua các đợt truy quét, lực lượng chức năng của huyện đã đẩy đuổi hơn 100 đối tượng ra khỏi địa bàn, xử lý vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng số tiền 172 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy nhiều dụng cụ khai thác vàng trái phép.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của vấn đề. Ông Nguyễn Thanh Thu - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại xã Trà Vân (chủ yếu ở khu vực thôn 2, thôn 3) diễn ra từ vài năm nay, có thời điểm bùng phát khá phức tạp nhưng do lực lượng của xã còn mỏng, địa hình quá phức tạp, sự phối hợp giữa các địa phương chưa đồng bộ… nên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đã có nhiều đợt kiểm tra, truy quét, nhiều lần các cơ quan chức năng của huyện tổ chức phối hợp đẩy đuổi nhưng sau một thời gian lại tiếp tục tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép. Tính từ năm 2011 đến nay xã vẫn chưa xử phạt trường hợp khai thác vàng trái phép nào xảy ra trên địa bàn, dù thực tế tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên…
Theo lãnh đạo huyện, tình trạng khai thác vàng trái phép còn diễn biến phức tạp là do buông lỏng quản lý, yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của chính quyền xã, huyện. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân vùng cao còn hạn chế, một số người chuyển nhượng đất ruộng, đất nà để cho các chủ bãi vào khai thác khoáng sản trái phép…
Phương Giang