Lên miền sương mây lãng đãng
Mấy năm rồi bị Covid vây bủa, nay mới có dịp lên lại Nam Trà My, thủ phủ sâm Ngọc Linh.
Đã vào tháng Ba mà cái lạnh còn vương víu nhiều dải núi, mây giăng giăng, sáng sớm sương phủ dày đường đi. Từ Tam Kỳ lên tới vùng cao sơn ngọc quế cũng mất mấy tiếng đồng hồ chạy ô tô, qua nhiều cung đường còn vết tích lở lói của mùa lũ trước.
Sau vụ lở núi kinh hoàng cuối năm 2020, năm qua Nhà nước cùng các nhà hảo tâm đã giúp rất nhiều cho Nam Trà My phục dựng làng bản, xây nhiều nhà mới, đường mới cho đồng bào.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, huyện chỉ bỏ ra hơn 4 tỷ đồng lo mặt bằng, còn nhờ báo chí truyền thông kêu gọi nên các nhà hảo tâm tài trợ hơn 40 tỷ đồng để làm nhà cho dân vùng sạt lở.
Mừng vậy, nhưng chắc ở đây cái khổ nghèo vẫn còn đeo bám, thu ngân sách của huyện năm 2021 chỉ được khoảng hơn 62 tỷ đồng. Hình dung màn sương mù còn phủ xuống nhiều thôn nóc khiến tìm lối ra sinh kế không dễ.
Không than nghèo kể khổ để kêu gọi quá làm gì, thực tế là cần nhận diện Nam Trà My đúng như những gì vốn có để từ đó nghĩ suy về hướng đi cho tương lai tươi sáng hơn.
Nhà nước hẳn sẽ phải tiếp tục đầu tư hạ tầng và có chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phát triển sinh kế cho người Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông… cùng đồng bào các dân tộc nơi đây. Dĩ nhiên là cư dân bản địa phải biết chung tay làm ăn, nỗ lực cải thiện cuộc sống.
Nền móng là từ nông lâm nghiệp. Cây trồng chiến lược vẫn là cây sâm. Tin vui là không chỉ ở núi cao Ngọc Linh, sâm đã được di thực đến nhiều xã, có khoảng 2.500 hộ tham gia trồng hơn 1.650ha sâm.
Bên cạnh đó là cây quế bản địa, đã có đến 6.000ha. Sẽ còn nhiều vạn héc ta sâm và quế được trồng trong năm mười năm tới. Và huyện còn tính đưa vào vùng trồng thêm các cây thảo dược đầy tiềm năng thị trường như giảo cảo lam, chè dây, sâm nam, đảng sâm…
Điều cần là hình thành vùng nguyên liệu dưới tán rừng với cả chuỗi sản xuất và cung ứng, chuỗi giá trị từ trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ. Nói cho ngay, sâm Ngọc Linh đã thành thương hiệu thu hút mạnh thị trường, dù khá đắt đỏ khi bán củ tươi - có loại vài ba trăm triệu đồng một ký, nhưng nếu chỉ vậy thì giá trị không bằng được chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm đa dạng.
Hôm 1.3, trong dịp Nam Trà My khai trương khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ sâm, ông Trần Duy Dũng cho biết ngoài NutiFood đầu tư vào Quasapharco để phát triển trồng và chế biến sâm, còn có Công ty CP Nông sản và dược liệu Trà My bỏ vốn khoảng 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến nông sản và dược liệu tại Cụm công nghiệp Trà Mai - Trà Don. Đó là những tia sáng xuyên qua dải mây mù giăng trên mênh mông núi? Hy vọng vậy!
Nam Trà My không chỉ có sâm và dược liệu. Các giá trị về văn hóa bản địa cùng thiên nhiên rừng rậm kỳ thú còn quý hơn sâm. Những lễ hội cúng máng nước, ăn trâu, cùng sắc màu văn hóa ẩm thực, văn hóa cồng chiêng, thổ cẩm truyền thống… sẽ cần bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị để vén lên màn sương di sản ký ức, giúp cho hồn rừng trở nên lung linh, huyền ảo.
Rồi từ đó, du lịch sáng tạo trên thủ phủ sâm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa… sẽ hòa ca như thác năm tầng reo vui giữa đại ngàn.
Miền sương mây lãng đãng này sẽ thu hút phượt thủ, khách du lịch gần xa đến tham quan, khám phá. Cùng với phiên chợ sâm mở ra hàng tháng, du lịch sẽ làm cho vùng đất dưới chân Ngọc Linh hình thành mạng lưới dịch vụ giúp cải thiện sinh kế đồng bào.
Mơ ước, ai đóng thuế cho đành!
Kỳ vọng Nam Trà My tìm được lối đi cho tương lai sáng sủa hơn!