Âm vọng tiếng sóng tự thức

ĐĂNG QUANG 20/02/2022 06:43

Những ngày qua, sự kiện chiến tranh biên giới phía bắc cách đây 43 năm lại được nhắc nhớ trên báo chí và mạng xã hội với nhiều dạng thức khác nhau.

Như báo Tuổi trẻ khéo léo điểm lại tên các con đường và bia tưởng niệm ghi danh những người anh hùng chống quân xâm lược, qua đó nhận diện các gương mặt liệt sĩ cùng những câu chuyện lịch sử không quên khi “dòng tên anh khắc vào đá núi”…

Cũng khó điểm hết bài viết, dòng trạng thái trên Facebook nhắc về sự kiện này. Và đặc biệt có thể dễ dàng lại xem các video clip trên Youtube, để biết thêm những gì đã và đang diễn ra trên biên giới Việt - Trung.

Ở đó, ven bờ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, hay gần thác Bản Giốc, phía Trung Quốc đã xây cất những công trình đồ sộ. Ở đó, dọc theo đường biên, nhiều đoạn Trung Quốc cho xây rào kẽm gai và đồn canh cùng hệ thống loa phóng thanh cảnh báo những ai đến gần…

Dù chưa rõ mục đích Trung Quốc xây các công trình và rào nhiều đoạn đường biên có dụng ý gì nhưng phía Việt Nam vẫn cố gắng xây đắp quan hệ hữu hảo về thương mại khi tiếp tục xuất khẩu nông sản.

Sau đợt tắc hàng ngay cửa biên mậu, cơ quan chức năng hai bên đã vào cuộc đàm phán để tìm cách khơi thông dòng chảy hàng hóa. Và ngay thác Bản Giốc, hai bên vẫn chủ trương cùng khai thác du lịch ở khu vực thác chính.

Rõ ràng lối ứng xử khoan hòa là điều cần có cho mỗi quốc gia trên đường phát triển, nên cuộc chiến trong quá khứ được nhắc lại như sự tự thức lịch sử để thấy việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác từng trải qua giai đoạn chông gai mới có ngày nay.

Tự thức lịch sử là điều cần nhưng quan trọng hơn có lẽ là từ bài học quá khứ, người Việt phải phấn đấu xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, tự cường bên cạnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đó cũng điều thao thức của nhiều học giả, chuyên gia có uy tín quốc tế.

Một trong số đó có Giáo sư Trần Văn Thọ, người con của quê hương xứ Quảng, từng làm cố vấn kinh tế cho nhiều thủ tướng Nhật và Việt Nam. Trong dịp xuân Nhâm Dần - 2022, Giáo sư Trần Văn Thọ đã công bố một bài báo trên The LEADER (Diễn đàn của các nhà quản trị), về “An ninh kinh tế cho Việt Nam”.

Theo đó, ông phân tích về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cho rằng trước bối cảnh nguy cơ nhiều doanh nghiệp của các nước bị thâu tóm, sáp nhập không chỉ vì yếu tố kinh tế, Việt Nam cần nhanh chóng soạn thảo Luật an ninh kinh tế nhằm có cách tự bảo vệ sự tự chủ của nền kinh tế trong sóng gió hội nhập, tránh lệ thuộc quá sâu vào dòng đầu tư nước ngoài.

Bởi hiện nay, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc chảy mạnh đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, với sự hiện diện của doanh nghiệp FDI đang trở thành công ty thâu tóm thị trường đa quốc gia.

Thị trường có chuyện “cá lớn nuốt cá bé” vậy Việt Nam làm thế nào để đi với cọp mà tránh khỏi bị hổ vồ? Có lẽ vẫn phải tìm lời giải từ lịch sử khi Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng vẫn không ngừng cháy bỏng khát vọng xây nền độc lập, tự cường, thịnh vượng.  

Không quá ưu tư như các nhà trí thức, nhưng người dân Việt vốn trải nghiệm chiến tranh quá nhiều cũng đủ hiểu điều giá trị cần bảo vệ cho nền độc lập, không chỉ là an ninh biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển mà còn ở ý thức tự chủ trên mọi lĩnh vực đời sống. Như những ngày này cư dân ven biển, trong đó có người xứ Quảng, đã xuất bến ra khơi làm chủ biển trời.

Nhiều người vẫn biết rằng thời xa xưa, người dân ở các quốc gia khác thờ thần Bắc Hải, Đông Hải, Tây Hải, thì Việt Nam có Nam Hải đại vương che chở, một sự phân định “núi sông bờ cõi đã chia/phong tục Bắc Nam cũng khác”, là hòa nhập mà không hòa tan vậy.

ĐĂNG QUANG