Khi nào mạch máu lưu thông?
Đại dịch Covid tiếp tục tái phát làm nghẽn mạch máu xã hội. Vùng cư trú con người tự dưng phải tô màu xanh, đỏ, vàng, xám để phân biệt, phân cách dúm dó rất khó chịu. Tựa lá phổi do vi rút xâm nhập rỗ xám vì thiếu oxy, tình trạng đông máu ngưng trệ dòng chảy cuộc sống cứ phập phồng. Bởi thế, câu hỏi bức bách trở đi trở lại là khi nào sẽ được lưu thông?
Hỏi từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng…
Hỏi ra Hà Nội, Hải Phòng…
Hỏi về Đà Nẵng, Hội An…
Hỏi ở đây, nhiều địa phương tại Quảng Nam “ngồi yên một chỗ” suốt mấy tuần qua, nhưng vừa mở ra đi học, đi làm là lại bùng các ca nhiễm ở Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn…
Nhiều người nghi hoặc rằng chiến lược phòng chống dịch có sai không? Có thể phải “sống chung” với Covid như thế nào? Nếu giãn cách kéo dài thì nền kinh tế đổ vỡ hay không?
Tất thảy tâm trạng đó đều có thực, không tránh né được. Vấn đề là chưa có quốc gia nào tuyên bố “chiến thắng” được dịch cả và theo một tổng kết trên báo Nhân dân mỗi nơi áp dụng biện pháp mỗi kiểu, chỗ phong tỏa cứng, chỗ linh động cho đi lại, sinh hoạt có điều kiện.
Giữa bao nhiêu điều tiếng về chuyện sai đúng trong chiến lược phòng chống dịch, quả thực chưa có mô hình nào có thể xem là hình mẫu tối ưu và chưa thấy đề xuất một kịch bản thích ứng tạo được sự đồng thuận toàn xã hội.
Vậy nghĩa là phải chịu đựng trải nghiệm ở mức độ nhất định mới có kinh nghiệm được, và phải có tổ chức nghiên cứu đúc kết thực tiễn, đề xuất phương án. Cách gì cũng phải phòng chống dịch bằng phương án thích ứng khoa học, hiệu quả, chứ không thể bằng “phép thắng lợi tinh thần”, không duy ý chí chính trị với các khẩu hiệu hô hào suông.
Đúng như Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu bộc bạch cảm nhận, rằng Covid “có thể đánh gãy chân ghế các vị lãnh đạo quyền uy và quan liêu, phá tan hoang những nền kinh tế con rồng con hổ và đơn giản hơn, hại biết bao mảnh đời khốn khó”.
Vì thế, ở góc độ chuyên môn y tế, theo BS Hiếu, cần nhìn thẳng vào sự thật “năng lực điều trị của chúng ta rất báo động”, nên phải nhanh chóng triển khai “ba chìa khóa chống dịch” là: Oxy, thuốc và nhân lực y tế.
Còn ở tầm vĩ mô điều hành phòng chống dịch quốc gia, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ vừa đưa ra là “cuộc chiến này còn lâu dài, phải SỐNG CHUNG với dịch bệnh... thích ứng và có cách làm phù hợp”.
Nhưng cách thế nào là thích ứng phù hợp? Câu hỏi chưa thể trả lời rốt ráo, song đã có vài gợi ý đáng quan tâm. Chẳng hạn như đề xuất của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ với Thủ tướng Việt Nam về phương án di chuyển xanh.
Theo đó, áp dụng các biện pháp để đảm bảo lưu thông bằng người xanh (đã tiêm đủ vắc xin và thực hiện đúng cam kết phòng dịch an toàn), phương tiện xanh và quy trình xanh (đảm bảo vận hành theo điều kiện phòng dịch an toàn). Di chuyển xanh cũng có nghĩa là di chuyển an toàn. Do vậy “sống chung” với dịch bệnh là sống an toàn chứ không phải liều mình như chẳng có.
Nhiều nghiên cứu đã đúc kết điểm chung về điều kiện cho phép lưu thông trở lại là phải thực hiện tiêm ngừa vắc xin (ít nhất 2 liều) cho đủ 70 - 80% dân số để có cơ sở đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời tăng cường năng lực y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị hiệu quả khi nhập viện với đủ trang thiết bị và thuốc.
Còn với vận hành nền kinh tế - xã hội, luôn cần có “vắc xin ý thức” trong di chuyển an toàn, di chuyển xanh, xây dựng lối sống xanh và kinh tế xanh trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.
Khi nào, nơi nào kiểm soát được an toàn phòng chống dịch là cho phép lưu thông. Dù có thế nào điều kiện sống còn của xã hội như mạch máu phải lưu thông, để cõi người không thành “cánh đồng hoang vu”, “thành phố hoang vu”…