Điều giao cảm kỳ diệu
Cảm xúc mùa đi cùng trạng thái biến chuyển của cỏ cây hoa lá là điều thường gặp trong thơ xưa nay. Như mùa này hoa xoan nở gợi nhớ câu thơ của thi hào Nguyễn Trãi: “Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão/ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai”(dịch nghĩa: Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn/nở dưới mưa bụi đầy sân hoa xoan).
Hoa xoan, tên nôm na là thầu đâu, biến dịch ra sầu đâu, lãng mạn hơn gọi là sầu đông. Ở xứ Quảng, dọc biền bãi sông Thu mùa này nhiều thầu đâu/sầu đông trổ bông, cũng là dịp sắp có mưa lệ Bà, ấy là lễ cúng Bà Thu Bồn vào 12 tháng 2 âm lịch. Rồi đến miền Hà Đông phía nam Quảng Nam sau vài cơn mưa ủ hoa sưa bừng nở. Giao cảm với nhịp thở của cỏ cây sẽ lại đầy lên những thức nhận về tình yêu quê hương xứ sở…
Phải chăng cảm thức đó khiến cô giáo dạy văn tự dưng mở ra một cái đề bài cho học trò “Tuổi thơ em có bao giờ nói chuyện với cỏ cây không? Cuộc trò chuyện đó diễn ra như thế nào?”. Thú vị quá, mà nào chỉ học trò đâu, người lớn thử tập làm văn lại xem sao, hẳn nhiều người sẽ trích thơ Tô Thùy Yên “cảm ơn hoa đã vì ta nở” rồi rưng rưng.
Ngỏ thêm một định đề: Con người Điều giao cảm có thể giao tiếp với cỏ cây hoa lá, và ngược lại thực vật có hoàn toàn vô tri vô giác? Nhà báo Vũ Kim Hạnh dẫn từ một bài báo trên The Strait Times, về kết quả của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore cho rằng thực vật có thể “giao tiếp” với con người. Lang thang trong thế giới mạng gặp thêm câu chuyện mà nhà thực vật học người Anh - Tim Clapp cho biết “con người và thực vật cũng có nhiều điểm tương đồng. Nếu bạn để những loài thực vật một mình, không quan tâm, chăm sóc chúng đúng cách, chúng sẽ bị hỏng”.
Những bà già Quảng Nam không rành mấy chuyện nghiên cứu ấy, song từ lâu đã trao truyền tục lệ đeo tang cho cây. Đó là việc xé rẻo vải tang đeo cho cây cối mà người qua đời đã từng chăm sóc khi còn sống. Để cho cây “đỡ buồn” mà héo rũ, chết theo chăng?
Giao cảm để biết giữ hồn xứ sở bằng hồ sơ “cây di sản”. Thật mừng qua hơn 10 năm Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng, nay đã có hơn 5.420 Cây Di sản Việt Nam được công nhận. Quảng Nam góp vào hệ cây di sản với rừng pơ mu, những cây ngô đồng, cây đa, cây thị…
Rất thú vị nếu tìm hiểu thêm truyền thuyết lịch sử cỏ cây gắn với vùng đất con người. Bởi cây di sản lớn tuổi hơn đời người. Ghi nhận cây di sản có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam là cây Táu bạc ở đền Thiên Cổ, tỉnh Phú Thọ, khoảng 2.200 tuổi. Danh xưng Quảng Nam nay tròn 550 năm, từ đây đất Việt tiếp tục mở rộng tới phương Nam. Vào trời Nam, ông cha ta còn để dấu tích nhiều cây di sản, như ở Bến Tre có cây bạch mai hơn 300 năm tuổi, lưu dấu: “Phương Nam thời mở cõi/ rừng rậm cồn hoang/sấu nghé cọp gầm/ sông sâu nước chảy/xứ cù lao bốn phương tụ hội/ người Bến Tre mở đất lập làng/ nước ngọt cây xanh, đất lành chim đậu/đình Phú Tự nhớ về nguồn cội/ trồng bạch mai ghi dấu người xưa/khí thiêng sinh hoa quý/đất linh trổ người tài/ ba trăm năm một cội thần mai/ trải mưa nắng thành chứng nhân lịch sử/ nguyên tiêu hoa nở, xuân hết hương bay…”. Kỳ diệu thay!