Khi lòng tham bốc lửa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/09/2020 06:37

Tháng Bảy âm, bỗng nghĩ lại những chuyện “cô hồn” bị đọa đày vì lòng tham.

Xưa, như truyền thuyết về sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Người mẹ của ngài phạm nhiều tội lỗi ở trần gian nên đã bị đọa vào ngạ quỷ, thân thể ốm o, gầy mòn, đói khát quanh năm. Mục Kiền Liên đã vận phép thần thông đưa bát cơm đến dâng cho mẹ.  Bà mẹ quá đói khát nên khi có cơm sợ người giật mất liền lấy tay trái che bát, tay phải bốc cơm ăn. Vì lòng tham độc ác trong tiền kiếp bừng lên nên bà mẹ vừa đưa cơm vào miệng thì cơm biến thành lửa cháy. Mục Kiền Liên đau khổ, vật vã khóc lóc thảm thiết và bạch với Phật để tìm cách cứu giúp mẹ mình…

Nay, thói tham lam vô hạn độ cũng bày ra những chuyện không ngờ. Như vừa rồi, ở cái xứ biển hiền lành chân chất như Tam Tiến (Núi Thành) bỗng đâu xuất hiện người đàn bà cả gan dàn việc buôn bán hải sản để lừa đảo hơn 70 tỷ đồng. Trước đó, một cô gái trẻ quê Phú Ninh có học hành đàng hoàng mà nhảy ra làm cò mồi, kiếm tiền từ việc tham gia đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Rộng ra nữa là các sự vụ vừa xảy ra trong nước, có những người ông bà cũng tra tay vào còng vì lòng tham, như Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức hành chính CDC Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) đã cấu kết nâng khống thiết bị máy xét nghiệm để kiếm ăn.

Đau nhất là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cấu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lớn trong vụ án này chính là những người bệnh. Chả trách báo chí dùng những từ ngữ nặng nề để chỉ trích hành động quá thất đức của các bị can là “ăn dày trên lưng bệnh nhân” hay “ăn trên nỗi đau người bệnh”…

Cũng vì lòng tham đã dẫn đến các đại án tham nhũng, với những kẻ có chức quyền cứ vung tiền của công - đồng tiền thuế thấm đẫm mồ hôi nước mắt của dân, để đầu tư vô tội vạ rồi kiếm chác “hoa hồng”. Lòng tham là mảnh đất màu mỡ cho thói “ăn không từ một thứ gì” của một bộ phận cán bộ biến chất, hư hỏng, làm nảy sinh hiện trạng tham nhũng từ “phong bì và nền công nghiệp phong bì” đến “làm luật”, rồi “công nghệ bôi trơn”... khiến dư luận xã hội bức xúc lâu nay. Còn ở trong dân chúng, cũng vì lòng tham mà có kẻ liều mạng lừa đảo, khiến bao người lâm cảnh tan cửa nát nhà.

Lòng tham bốc lửa đủ dạng. Dễ thấy là thói tham ăn, rồi tham tiền. Kẻ làm cán bộ thì tham quyền cố vị. Kẻ trọc phú, giàu tiền thì tham danh... Tóm lại có thể hiểu như nhà Phật là có năm nhu cầu khiến con người dễ sinh lòng tham, đó là: Tài (tài sản); sắc (sắc đẹp, hình thức bên ngoài); danh (danh thơm, tiếng tốt, đức cao vọng trọng); thực (ăn uống); thùy (ngủ nghỉ).

Lòng tham biểu hiện từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp và càng ngày càng vi tế hơn, khiến con người không có điểm dừng và tạo ra những nghiệp xấu, rơi vào nhân quả trầm luân sinh tử, đọa đày linh hồn. Chính lòng tham vô đáy đã làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, gây nên bao nỗi thống khổ cho nhân gian.

Từ bát cơm bốc lửa trên tay người mẹ Mục Kiền Liên đến những chuyện hôm nay cho thấy lời răn về lòng tham không chỉ cho những đệ tử của Phật qua mỗi mùa Vu Lan mà còn cho người đời trong cả cuộc đời, từ đời này đến đời khác.

NGUYỄN ĐIỆN NAM