Chữ và lời, đời lắm vạ
Chữ - văn tự viết ra, lời - ngôn từ nói ra, có thể gây vạ nếu va vấp lỗi theo quy chuẩn quy định, hoặc lỗi “nói nhịu, viết nhịu”, hoặc diễn đạt mang sắc thái phản cảm, hay xúc phạm đối tượng hướng tới.
Mới nhất là vụ người dẫn chương trình Bản tin Tài chính Kinh doanh phát trên sóng VTV1 đã gọi “những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố” ở TP.Hồ Chí Minh. Dư luận phản ứng tức thì và gay gắt, khiến nhóm làm bản tin này phải lên tiếng cải chính và xin lỗi. Kiểu vạ miệng như thế, quái lạ, lại hay xảy ra trên sóng truyền hình. Người ta điểm lại các vụ tiêu biểu như cuối tháng 7.2019, MC của chương trình Bữa trưa vui vẻ đã nhận xét về khách mời rằng “đây là động vật quý hiếm cần được bảo tồn”. Hay như năm 2011, Biên tập viên Lê Bình đã cau mày buột miệng nói: “Cái bọn điên này...” khi gặp sự cố trục trặc kỹ thuật. Nặng nề hơn, trong một bản tin về an toàn giao thông của kênh truyền hình HTV1, MC Lê Minh Ngọc sau khi cung cấp cho người dân về tình hình giao thông tại các tuyến đường trong một ngày Quốc tang lại “lỡ lời” nói thêm: “chúng ta cũng nên nhớ chấp hành đúng luật lệ giao thông cũng như sự điều khiển của lực lượng cảnh sát chức năng để chúng ta có một ngày Quốc tang thật nhiều niềm vui và an toàn”. Cũng cái kiểu buột miệng như vậy làm tuột ra những lời khó đỡ trong lần đầu tiên lên sóng truyền hình quốc gia trước hàng triệu khán giả, MC trẻ Yumi Dương của The Voice đã “xin khán giả một tràng pháo tay cho nạn nhân vùng lũ” đúng thời điểm người dân miền Trung đang hứng chịu những thiệt hại về người và của do bão lũ gây nên.
Qua các ví dụ trên cho thấy vạ miệng dễ rơi vào những người làm nghề… nói nhiều. Càng nói liến thắng, nói không kịp nghĩ, nói thiếu tư duy sắc thái ngôn từ càng dễ mắc vạ. Mà đâu phải chỉ giới làm báo hình, báo nói, những nghệ sĩ, ca sĩ hay biểu diễn trước công chúng cũng có lúc đưa ra phát ngôn “gây bão” vì phản cảm. Rồi đến cả những chính khách, tưởng cẩn trọng lời nói cũng có khi chủ quan mà gây vạ. Điển hình như vụ tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã suýt thổi bùng lên một cuộc xung đột quân sự nguy hiểm vì câu nói đùa với các kỹ thuật viên âm thanh của đài NPR: “Hỡi người dân Mỹ, hôm nay tôi rất vui thông báo với quý vị rằng tôi vừa ký thông qua đạo luật giúp phong tỏa nước Nga mãi mãi. Chúng ta sẽ bắt đầu dội bom sau 5 phút nữa”. Nên nhớ thời điểm đó, năm 1984 là cao trào Chiến tranh Lạnh, nên khi nghe đoạn thu âm rò rỉ ra ngoài, quân đội Liên Xô lập tức được đặt trong tình trạng báo động cao ở khu vực Viễn Đông.
Từng nghe có ông Quảng Nam bị vạ miệng do hay cà rỡn nói lái cụm từ “xóa đói giảm nghèo” nên vấp lại khi nói qua loa. Thời “nói qua loa” người ta cũng nghe qua loa “lời nói gió bay” rồi xí xóa. Nhưng giờ đây, với công nghệ thu phát liên thông trên mạng rất dễ tải lại, lưu lại bằng chứng, nên vạ miệng không chối được.
Lời nói bị vạ khó chối huống chi văn tự viết ra. Báo chí dính lỗi này rất nhiều, kể không hết. Gần đây hay thấy lỗi viết nhịu khiến người ta tá hỏa tam tinh, kiểu như đưa tin về phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 rằng “người dân Hải Dương không được dời thành phố” (nhịu chữ r và d), hay diễn đạt rối rắm như “sai lầm khi nấu thịt người Việt làm hằng ngày vừa mất chất lại gây ung thư”. Lại dùng kiểu điện tín nên viết tắt tùy tiện cũng gây nên trường hợp chệch nghĩa gây ra vạ như “dễ làm khó bỏ = dê làm khó bò= DLKB”, “thi hành án = THA”...
Ai dám nói mình giỏi khi trong đời chưa vấp vạ chữ, vạ miệng? Cổ nhân đã khuyên “học ăn học nói”, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hay coi chừng gây tổn thương vì “lời nói đọi máu”. Không xem thường được!