Giáo dục, phía chông chênh...
Thảng thốt nghe ve râm ran kêu hè, sắp hết một học kỳ con cái nghỉ học vì đại dịch. Ừ cũng không sao nếu cho qua vì “học tập suốt đời” đâu phải một kỳ, nhưng lắng lại đôi điều mặn chát khi thấy chuyện học hành chông chênh với con nhà nghèo.
Nghèo còn nhiều lắm. Ngay cả du học sinh qua Hàn, Nhật, Úc,… đâu phải em nào cũng là con nhà giàu. Săn tìm được cái học bổng chảy máu mắt, tích cóp đủ thứ kiến thức và của cải mới đi được.
Những tưởng qua đó chỉ cần học cho ngon, tranh thủ làm thêm để trang trải chi phí, ít năm có được cái bằng và ngoại ngữ, nuôi hy vọng tương lai sáng hơn. Nhưng đại dịch xáo trộn tất cả, cấm túc ở nhà lỡ việc học (dẫu ít vì vẫn học online) nhưng vấn đề là không làm thêm được gì, vì thứ nhất dễ bị cảnh sát bỏ tù, thứ hai rủi dính vi rút không tiền chạy chữa mà chẳng về được quê hương.
Chợt rùng mình! Giàu như Mỹ và châu Âu mà nghe cũng hoảng với số chết hàng nghìn người mỗi ngày, thất nghiệp hàng trăm triệu người, các nước có trợ cấp chắc gì đã tính tới du học sinh…
Nghèo ở nước nghèo, vô kể. Cái sự học ở đất Việt đã khòm lưng vì đủ thứ nay lại lơ ngơ xơ rơ tìm lời giải đáp cho những câu hỏi có nên chuyển qua dạy học online không, có cần phải đến trường đến lớp nữa không.
Dạy và học online à? Có người ước tính hai phần ba số học sinh là con nhà nông hoặc gia đình chỉ có một chiếc máy tính dùng chung giữa phụ huynh và học sinh. Nhiều trẻ con miền núi thiếu cả cái ăn, mặc quần thủng đít, lấy đâu máy tính, hạ tầng mạng để đáp ứng.
Học qua webcam lại có điều dễ nảy sinh mặc cảm khi bật lên thấy hình ảnh tương phản giàu – nghèo, có người ngồi trong biệt thự đầy đủ tiện nghi, người thì ở căn hộ rách nát.
Thêm nữa, học ở nhà qua thế giới ảo, không phải đến trường lớp thì mối dây giao tiếp cộng đồng xã hội đứt gãy, xúc cảm thực không biểu lộ được bằng ngũ quan dễ rơi vào trầm cảm, tự kỷ. Các kỹ sư công nghệ thông tin còn mắc chứng ấy huống gì trẻ con suốt ngày mạng mẽo. “Làm sao định nghĩa được mùi hương” nếu không được hít hà?
Con chữ, sự học phải được đảm bảo tiếp cận công bằng cho mọi người. Nhưng hoàn cảnh kinh tế khác nhau cũng dẫn đến cơ hội tiếp cận khác nhau. Các trung tâm, thành phố lớn được hưởng những hạ tầng tiện nghi hiện đại, dễ tiếp cận công nghệ, học và làm tại nhà qua internet; còn ở vùng sâu dù được hỗ trợ gạo, mì tôm thì cũng chỉ tạm thỏa tiếng réo của dạ dày chứ không thể giúp sáng thêm cái đầu đi tìm cơ hội học và hành.
Sẽ khó vô cùng cho những em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hay ngay cả con nhà nghèo ở thành thị để tiếp cận giáo dục qua công nghệ hiện đại. Cả nhà còn đi bới tìm cái ăn hàng ngày, gà mẹ sao lo nổi cho gà con. Phúc lợi xã hội, tiện ích xã hội, như miếng bánh không thể chia đều.
Rơi theo tiếng ve là tiếng kêu của học trò cuối cấp phổ thông. Chọn ngành nghề gì bây giờ? Những ngành tốp đầu, rất “hot” chừ cũng bị… hốt. Học du lịch như cháu tôi năm nay ra trường gặp phải mùa khách sạn sa thải nhân viên, bó tay. Em gái nào xinh không ấp ủ “ước mơ bay” với tiếp viên hàng không, nhưng giờ lại ngậm ngùi như thơ Trần Dần “tôi khóc những chân trời không có người bay, lại khóc những người bay không có chân trời”.
Mùa tuyển sinh năm nay sẽ chật vật trước bao câu hỏi về tương lai nghề nghiệp. Kinh tế số? Tốt quá, nhưng nhiều quốc gia có kinh tế số phát triển cũng hoang mang khi gạo tăng giá, thực phẩm khan hiếm, đặc biệt nghề sử dụng nhân công giá rẻ lâu nay bị coi thường như may khẩu trang giờ lại lên ngôi (!).
Giáo dục chắc chắn phải thay đổi, và cách sống sót qua cơn đại dịch là bài toán đầu tiên phải giải, đồng thời tìm ra nghiệm của thân phận con người không chỉ ở hiện tại mà còn cho tương lai bớt chông chênh.