Giữ biển

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/06/2019 14:51

Tình hình biển đảo lại nóng lên với những hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế của các lực lượng từ phía Trung Quốc. Theo những lời tố cáo của nhiều ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, tàu mang cờ Trung Quốc đã nhiều lần vây ép, đe dọa, cho lực lượng dùng vũ lực trấn áp ngư dân và phá phách, cướp bóc tài sản trên tàu cá Việt Nam.

Mới đây nhất, như báo cáo của Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, tàu cá QNa 91441 của ngư dân Trần Văn Nhân (Tam Quang, Núi Thành) trong khi đang neo đậu nghỉ trưa tại khu vực cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 22 hải lý thì bất ngờ một tàu sắt sơn màu trắng, treo cờ Trung Quốc, số hiệu 46305 cập đến áp sát, cho người leo lên tàu đe dọa tính mạng thuyền viên rồi lấy đi 2 tấn mực khô (trị giá hơn 250 triệu đồng). Cũng theo lời thuật của ngư dân Trần Phu trên tàu ông Nhân, thì những người Trung Quốc “làm y như cướp biển, lại có vũ khí trên tay” nên ngư dân Việt Nam không dám chống cự.

Chuyện “cướp biển” như thế diễn ra nhiều lần. Còn nhớ hồi trung tuần tháng 10.2015, trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá QNg 90352 của ngư dân Đặng Dũng (Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc dùng vũ lực cướp tài sản và đâm thủng. Tại vùng biển gần đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa), tàu QNg 90127 (do ông Tiêu Viết Bản ở Quảng Ngãi làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng) đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản. Cũng ở vùng biển đó, tàu cá QNa 91939 của ông Võ Quang Thái (Tam Quang, Núi Thành) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đưa ca nô áp sát và cho 11 người trong trang phục hải cảnh khống chế ngư dân, cướp phá tài sản, hệ thống liên lạc, ngư lưới cụ…

Tại sao Trung Quốc tấn công tàu cá ngư dân đánh bắt hợp pháp trên Biển Đông? Là vì họ có âm mưu thâm độc. Họ duy trì chuỗi xung đột đủ liên tục, đều khắp ở các điểm chiến lược trên biển, ngang nhiên kiểm soát việc khai thác các nguồn lợi mà chỉ quốc gia có chủ quyền được phép làm. Nếu các nước trong vùng mãi cam chịu sẽ dần phải chấp nhận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Khi đó, việc có hay không các Công ước về Luật Biển, bao hàm cả UNCLOS, thì cũng chẳng thể làm được gì họ. Bên cạnh đó, bằng cách gia tăng các hoạt động núp dưới vỏ bọc kinh tế, dân sự, nghiên cứu khoa học, Trung Quốc muốn từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý của họ. Các nhà nghiên cứu chiến lược đã chỉ ra âm mưu của Trung Quốc là muốn biến vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp. Khi xảy ra tranh chấp, họ lại sử dụng “chiến lược cải bắp”, bao vây một hòn đảo và vùng biển đang tranh chấp với vòng trong vòng ngoài gồm tàu đánh cá, tàu ngư chính, tàu hải giám, kể cả tàu chiến sao cho “hòn đảo bị bao bọc hết lớp này tới lớp khác như một bắp cải”. Nếu không thể giải quyết triệt để như tham vọng chiếm phần lớn Biển Đông thì Trung Quốc đề nghị “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Rõ ràng công cuộc giữ gìn biển đảo là một thử thách vô cùng cam go đòi hỏi bản lĩnh, suy tính thấu đáo và tìm kiếm cho được đối sách khôn khéo mà cương quyết nhằm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trước hết phải làm mọi cách để bảo vệ ngư dân khi đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Chúng ta không thể chỉ hô hào, động viên suông rằng ngư dân cứ vươn khơi bám biển trong mối nguy hiểm đe dọa tính mạng. Lực lượng gìn giữ biển đảo cần tiếp tục tăng cường. Chúng ta cần đưa lực lượng chấp pháp hiện diện nhiều hơn, thường xuyên hơn trên vùng biển để bảo vệ ngư dân. Đồng thời mặt trận đấu tranh ngoại giao phải cương quyết, khôn khéo, huy động được sức mạnh tổng hợp, nhất là qua các tổ chức như hiệp hội nghề cá, báo chí truyền thông trong nước và quốc tế...

NGUYỄN ĐIỆN NAM