Khôn dại chuyện rườm rà

ĐĂNG QUANG 16/03/2019 23:37

Nhiều ngày qua quay cuồng long óc với những thông tin từ báo chí và mạng xã hội về các văn bản của các… cục đưa ra. Mà người ta quan tâm cũng phải, như với thức ăn chăn nuôi và nước mắm, là những thứ thiết thân hàng ngày, tự dưng thành chuyện ồn ào do cơ quan quản lý nhà nước xới lên.

Cứ hình dung về một đứa con sinh ra, trưởng thành nhờ… nước mắm truyền thống, đi học Tây Tàu bỗng một ngày về “dạy khôn” quy trình làm mắm cho làng nghề bao đời, trong đó có cha mẹ mình, liệu có ổn không? Anh đã thấu ngọn nguồn nước mắm nhĩ, mắm cốt, nước nhứt nước nhì, hiểu gì về chuyện lọc mắm (chứ không gọi là tách bã), rồi đưa ra tiêu chuẩn này nọ? Anh dịch tiếng Tây nói về “sai lỗi” trong quy trình sản xuất nước mắm thành chữ “khuyết tật” thì cha mẹ anh có hiểu? Anh có biết sản phẩm làng nghề nước mắm truyền thống vẫn sống lâu nay ở mỗi vùng miền, như nước mắm Nam Ô, Tam Ấp, Cửa Khe của xứ Quảng, bà con có ai ăn mà chết đâu để phát hoảng. Anh còn muốn “đánh úp” khi bà con nghỉ tết mới đưa dự thảo tiêu chuẩn quy định ra xin ý kiến. May mà còn kịp khi thông tin bị xì ra để rồi có chỉ đạo phải dừng. Thiển nghĩ, hàng nước mắm của nhiều làng nghề truyền thống ở Phú Quốc, Phan Thiết… đã đi tới châu Âu, châu Mỹ, người ta cho dùng hẳn phải có tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thẩm định rồi. Cứ lấy tiêu chuẩn theo những sản phẩm đó, được ghi đầy đủ thành phần trên nhãn, rất rõ nguồn gốc xuất xứ, biểu bà con mình muốn xuất khẩu được hàng thu giá trị gia tăng cao thì nên làm theo vậy. Rườm rà chi cho mệt?

Cũng lại rườm rà mà không tới đầu tới đũa là việc ban hành “Danh mục các sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” (Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Văn bản đó liệt kê ra nhiều thứ thức ăn cho các con vật nuôi đủ loại thì làm sao cho đủ? Ngay động vật quen thuộc như con heo, thức ăn cũng nhiều loại chứ nào chỉ có rau, khoai, sắn, cám gạo, liệt kê làm sao cho hết? Và cắc cớ có người hỏi con gì ăn vỏ trấu mà anh nêu chắc anh…cũng ậm ờ. Việc gì phải liệt kê đủ loại thức ăn chăn nuôi mà chỉ cần nêu các thứ phải cấm (như sản phẩm/chất độc hại, các thứ thuốc kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc). Đối với người chăn nuôi cho con vật ăn gì thì cũng phải cho ra sản phẩm, nên chỉ cần quy định tiêu chuẩn sản phẩm không gây hại sức khỏe người tiêu dùng là được rồi. Còn đối với những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, chỉ cần đạt tiêu chuẩn sản phẩm được chế biến và bán ra là cũng đủ. Muốn đưa ra thị trường phải kiểm định chất lượng là xong. Làm như vậy, người chế biến thức ăn hay chăn nuôi đều phải biết nếu sản phẩm làm ra mà kiểm định không đạt quy định tiêu chuẩn chất lượng thì không bán được.

Rườm rà “dây cà ra dây muống”, như người càng nói dai càng dễ vấp, bị vạ miệng. Nếu đưa ra quy chuẩn, quy định gì ảnh hưởng đời sống làm ăn người dân lại càng phải nghiên cứu chắc chắn, chứ không phải đôi co, gây dư luận ồn ào hiểu đàng nào cũng được. Chính phủ cũng nhiều lần hô hào phải cắt bỏ các loại giấy phép con hay hình thức tương tự, trong đó có các tiêu chuẩn, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh rườm rà. Ai càng muốn rườm rà càng dễ mua vạ vô mình. Dại hay khôn, chính người bày ra chuyện ấy biết nhưng có lẽ vì lợi ích nhóm gì đó mà vẫn cố làm. Tuy nhiên, dân ở đâu cũng được làm điều mà pháp luật không cấm; những quy định hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, càng được nêu ngắn gọn dễ hiểu càng dễ thực thi. Vậy có cần bày đặt thêm chuyện thị phi làm gì?

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG