Khu kinh tế mở, cần mở và mới nữa
Năm 2003, Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai chính thức ra đời. Nhưng phải kể từ trước đó, với Thông báo số 232-TB/TW ngày 10.7.1999, Bộ Chính trị đã cho ý kiến chọn Chu Lai làm KKTM đầu tiên của cả nước; rồi Thông báo số 79-TB-TW ngày 27.9.2002, tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng KKTM.
Ở thời điểm đó và nhiều năm tháng sau, tên gọi cho Chu Lai luôn là chủ đề bàn luận, là “khu kinh tế” hay “đặc khu”, rồi thế nào là “mở”; song cuối cùng là quyết cứ làm tới đã, cho đến hình hài như hôm nay. Nhưng chữ “mở” đúng là vẫn gợi suy tư.
Mở là hàm ý về hành trình mở nước, ghi dấu 700 năm quốc gia Đại Việt mở dần về phương Nam. Hay chặng ngắn hơn là nhắc lại kinh nghiệm thời mở cửa hội nhập quốc tế của xứ Đàng Trong.
Mở có thể là câu chuyện của tư duy về mô hình phát triển trong bối cảnh Quảng Nam mới tái lập, thuộc tỉnh nghèo nhất nhì cả nước. Theo đó, chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, chuyển dịch lao động qua phi nông nghiệp.
Mở cụ thể hơn là chọn địa điểm để triển khai dự án động lực, làm nhà máy, khu công nghiệp, đưa ngành nghề mới vào sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo bằng việc làm mới…
Làm gì để KKTM Chu Lai mở tiếp và mới nữa?
Mới và mở là tiếp tục nới không gian, như việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trên diện tích 27.000ha, kéo dài từ Núi Thành đến hầu hết các xã vùng đông Thăng Bình.
Mới và mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Từ hạt nhân Thaco với trung tâm cơ khí ô tô, đến trung tâm dệt may Panko, rồi các ngành dịch vụ logistics, các trung tâm dịch vụ du lịch…
Với riêng Thaco, mở rộng và đổi mới sáng tạo là khao khát bức thiết, không chỉ riêng ngành ô tô mà còn bước chân qua dịch vụ cảng biển, qua làm nông nghiệp công nghệ cao, qua du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế… Thaco hiện vẫn là cánh chim đầu đàn đóng góp ngân sách để Quảng Nam trở thành tỉnh khá có điều tiết về Trung ương.
Mở là hy vọng sân bay Chu Lai thực sự cất cánh, không chỉ là những chuyến bay vận chuyển hành khách nội địa mà còn ra nước ngoài, xa hơn là thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Mở và mới là một trung tâm khí điện để Cá Voi Xanh được tiếp bờ…
Tất cả sự mở để có cái mới ấy tất nhiên cần vốn, cần nhà đầu tư chiến lược, nhưng quan trọng hơn là cần cơ chế, thể chế, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng. Chu Lai cần vượt qua những rào cản về thủ tục hành chính, tư duy lạc hậu về quản trị, những bất cập về hạ tầng kết nối liên vùng… Như vậy để KKTM Chu Lai tiếp tục mở và có nét mới khác biệt còn nhiều chuyện để làm, trước mắt là đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ chiếm 65% tỷ trọng công nghiệp và 30% tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh Quảng Nam.
Cái ấp ủ mở từ thời mới tách tỉnh là mới. Nên cơ chế mở là hết sức gian nan, như vừa đi vừa dò đường. Từ mô hình quản lý, đến quy hoạch, xúc tiến đầu tư, tìm vốn, tìm nhân lực… thảy đều rất khó. Quảng Nam bắt đầu bằng xin cơ chế chứ không xin tiền, xin vốn. Hướng đi đó đã mở ra quy hoạch và hạ tầng sơ khai. Nhưng rồi có lúc tắc, đến khi mở tiếp được thì tràn lan cả nước đâu cũng khu công nghiệp, khu kinh tế, thành thử Chu Lai không còn “cơ chế ưu đãi vượt trội”.
Đánh giá lại 15 năm qua thì sự phát triển của KKTM Chu Lai vẫn mang tầm địa phương, mà không đạt được dự định ban đầu là mang tầm quốc tế, được áp dụng các luật chơi quốc tế. Cho nên bây giờ, để có thể mở rộng thu hút đầu tư cần phải có những cơ chế mở và mới hơn nữa. Và câu hỏi đặt ra là Chu Lai có phải phát triển theo mô hình “đặc khu” để đón làn sóng đầu tư với công nghệ cao của thời mới không?
NGUYỄN ĐIỆN NAM