"Thôi xao" trong vấn đáp
Các vị rành thơ cổ chắc biết câu thơ của Giả Đảo “Tăng xao nguyệt hạ môn” (sư gõ cửa dưới trăng). Nhưng để gọt giũa câu thơ, ông phải hỏi người khác nên chọn chữ “đẩy” (thôi) hay “gõ” (xao). “Thôi xao” từ đó thành điển tích chỉ việc tinh luyện chữ nghĩa trong làm thơ.
Nhưng có phải chỉ thông qua vấn đáp để tìm chữ cho thơ không đâu. Trong đời, cũng thường dùng phép “thôi xao”, như người Việt hay “lựa lời” trong giao tiếp hàng ngày. Có lời châu ngọc mà “lặng nghe lời nói như ru”, nhưng có khi “lời nói đọi máu” khiến người nghe tức khí mà chết.
Nói thật mất lòng, “nói như dao bằm xuống đất”, như dao chém chuối, là nói thẳng bén ngọt, chắc như đinh đóng cột. Nói “dây cà ra dây muống” là cà kê lòng vòng, lại có khi “lựa lời nói ngọt nên lòng dễ xiêu”. Cho nên mỗi khi hỏi – đáp đều phải dùng lời nói, cần “thôi xao” chữ nghĩa.
Theo dõi hoạt động chất vấn trong kỳ họp Quốc hội có nhiều điều để ngẫm về chuyện “thôi xao” như vậy. Đủ kiểu cả, nhưng tựu trung trong chất vấn và trả lời chất vấn vẫn có hai cách “thôi” và “xao”, tức là có chuyện hỏi – đáp làm sao để “gõ” lên tiếng động cho ra vấn đề, hoặc có khi thì đưa “đẩy” cho qua quận.
Thường thấy câu hỏi “gõ” đúng và trúng vấn đề dư luận quan tâm là người dân tán thưởng. Như hỏi vì sao thuế nhập khẩu bằng 0 mà giá ô tô chưa giảm; giáo dục sao lại có quy định quái gở về chuyện bán dâm của sinh viên; y tế làm thế nào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tiêu thụ nông sản vì đâu vẫn bấp bênh; giao thông làm gì với đường cao tốc hư hỏng; văn hóa làm sao chống suy đồi đạo đức… Rất tiếc, một phần nội dung trả lời những câu hỏi đó còn lòng vòng, có chỗ né trách nhiệm, hoặc biện giải đại khái từ chuyện nọ xọ chuyện kia. Và, lưu ý điều này, chất vấn là “một hoạt động giám sát”, là cách thức quan trọng để giám sát hoạt động của các quan chức Nhà nước (theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội 2003). Do đó, trong chất vấn có việc truy hỏi về trách nhiệm. Khi câu hỏi đã khoanh vùng trách nhiệm thì người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề, giải trình thấu đáo cũng như có giải pháp trọng tâm và thời hạn để giải quyết vấn đề được chất vấn. Nếu xảy ra tình trạng “hỏi xoáy” mà “đáp xoay” xà quần thì trên diễn đàn nghị trường đến những người dân xem tường thuật sẽ khó hài lòng.
Sử dụng phép “thôi xao” là cần thiết, nhưng cầu kỳ quá thành ra đẽo gọt, đôi khi mất cái chân thật. Song, vụng về thì trót lỡ miệng, “vạ miệng”. Như đề cập giải pháp “kiềng ba chân” của ngành y tế mà diễn đạt không khéo ra chân trái, chân phải và chân… thứ ba, khiến người ta cười ồ. Lại đang bàn chuyện văn hóa đạo đức xuống cấp mà nói qua lý do vì kinh tế thiếu kinh phí, nghe gì gì đâu. Cho nên kỹ năng diễn đạt cần “thôi xao”, tức phải lựa chọn chữ nghĩa cho đúng, nghe cho lọt tai. Cách gì thì cũng phải gọi đúng tên sự vật, vấn đề, chuẩn xác, minh định được.
“Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/câu trả lời thật không dễ dàng chi”, cuộc sống đang đặt ra biết bao câu hỏi cần các “tư lệnh ngành” trả lời trước quốc dân. Dẫu có thể chưa tinh tế trong kỹ năng diễn đạt, cũng khó trả lời rốt ráo mọi chuyện, nhưng người dân cần các vị nắm bắt được những trọng tâm về quốc kế dân sinh, có tầm nhìn và trách nhiệm rõ ràng về công vụ, biết tiếp thu và giải quyết vấn đề dư luận quan tâm. Vì truyền hình trực tiếp phiên chất vấn nên cần “thôi xao” chữ nghĩa diễn đạt nhưng người dân quyết không cần nghe ngụy biện, “xiếc chữ” để né tránh vấn đề dân muốn trả lời thẳng thắn.
“Thôi xao” là làm sao hỏi và đáp cho đúng, cho trúng câu chuyện của đời.
NGUYỄN ĐIỆN NAM