Tin, tưởng, tín

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/10/2018 00:41

Đây chỉ đề cập về thông tin - tin tức, về sự tưởng (nghĩ đến) và sự xác tín.

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”

                                         (Tục ngữ)

Ấy là nói tín hiệu dự báo thời tiết khiến người ta tưởng (nghĩ đến) trời sẽ mưa nắng hay râm mát, nhưng phải đợi thực tế diễn ra thế nào thì mới xác tín đúng hay sai được. Tuy nhiên kết quả xác tín cũng tùy thuộc vào cả quá trình quan sát, phán đoán, suy xét và đánh giá. Lượng chuồn chuồn bay nhiều hay ít, chúng khỏe hay yếu, bay vì tác động gì, rồi người quan sát ở đâu, trời mưa nắng lúc nào, ra sao?… đều phải có  đầy đủ thông tin mới xác thực được.

Quan sát hiện tượng thiên nhiên rồi đúc kết kinh nghiệm để xác tín thường dễ hơn quan sát hiện tượng xã hội mà suy xét, đánh giá. Bởi nói đến xã hội là nói đến con người, về con người, một thực thể phức tạp.

“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…”

(Xuân Diệu)

Mình còn chưa hiểu mình làm sao hiểu người khác? Mình chưa tin mình sao có thể tin, tín nhiệm người khác? Mà để đánh giá mức độ xác tín cao hay thấp hoặc vừa vừa thì thang bậc đánh giá như thế nào?

Người thơ, giới nghệ sĩ có thể mơ hồ trong xác tín cảm xúc, nhưng cả chuyện ngoài thơ và khô khan như chính trị thì vẫn có phần mơ hồ ít nhiều trong suy xét, đánh giá để tìm sự xác tín. Báo chí đang soi chiếu tổng thống Mỹ, đánh giá công việc ông ấy làm cơ bản đúng với những gì đã tuyên thệ khi nhậm chức, lộ rõ cái lý tưởng theo đuổi “nước Mỹ trên hết”. Nhưng ông Trump là tổng thống Mỹ có ý nghĩ “khó lường” nhất, khó ai có thể đoán định đúng hoàn toàn những việc ngày mai ông ấy làm vì không có đầy đủ thông tin. Cho nên Trung Quốc bất ngờ bị đẩy vào tình thế rất nan giải trong cuộc chiến thương mại. Rồi Nga, Liên minh châu Âu, và nhiều nước khác cũng khó đoán đường đi nước bước của ông Trump sẽ tới đâu.

Thế giới rộng lớn, nhiều chuyện, mà ở nước Việt cũng thế, có những việc khó thể xác tín ngay được. Nhiều người Việt lại có cố tật nói ít khi đi đôi với làm nên càng phải suy xét kỹ kết quả cụ thể trong hành động mới đánh giá được. Ví dụ ngay, nói “thượng tôn pháp luật” nhưng trong hoạt động công vụ thì ban hành quá nhiều văn bản trái pháp luật (Bộ Tư pháp báo cáo năm rồi có tới 5.639 văn bản như vậy, dẫn theo VnEconomy). Chắc chắn tác hại của văn bản trái pháp luật được ban hành từ cấp bộ, cơ quan ngang bộ đến chính quyền các địa phương, ảnh hưởng tiêu cực khôn lường đối với kinh tế, đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích của đông đảo dân chúng. Trong khi đó, còn rất ì ạch việc cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được 15% thay vì 50% như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ soi rọi riêng những việc đó để bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cơ quan công quyền (với nhiệm vụ chủ yếu là ban hành văn bản, ra quyết định về chủ trương, chính sách) hẳn sẽ xác tín đánh giá được ít nhiều, còn nếu “tưởng vậy mà không phải vậy” thì khác nào “tin thì tin không tin thì thôi” với lá phiếu tín nhiệm.

Vì “nhớ ít tưởng nhiều”, không thể nhớ hết, kể hết bao nhiêu thông tin – tin tức hàng ngày tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội. Nhưng tổng hợp nhiều thông tin, tưởng đến và suy xét kỹ cũng xác tín đôi phần, rằng dễ hiểu đường bay của chuồn chuồn hơn đường hướng của con người, dễ nói hơn làm vậy!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM