OCOP và kinh nghiệm của Thái Lan
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020” đã bắt đầu có sự khởi động đáng kể tại địa bàn Quảng Nam. Chính quyền đã tính đến chuyện khai thác thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, có thể thấy chính quyền địa phường còn khá lúng túng trong vai trò hỗ trợ để người nông dân cải thiện đời sống của họ. Năng lực nghiên cứu phát triển thị trường còn yếu, sản phẩm còn thô sơ, chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng là những bất cập ở nhiều địa phương. Vì vậy, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh đến các yếu tố chuẩn hóa sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm, mời các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia chương trình OCOP…
Từ chuyện OCOP, lại có đôi điều ngẫm ngợi từ chuyến khảo sát hành lang kinh tế Đông Tây của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh theo tuyến cửa khẩu Nam Giang, Lào, Bangkok, nhằm quảng bá, nghiên cứu xúc tiến các biện pháp vận chuyển hàng hóa và phát triển logistics mới đây. Trước hết là loại hình phát triển nông thôn theo hướng OCOP.
Với vai trò của Hoàng gia Thái Lan trong vài thập niên vừa qua, cả về nghiên cứu thực tiễn và chính sách đã vực dậy một vùng Đông Bắc Thái nghèo khó không chỉ về công nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác ở nông thôn. Đây là vùng đất mà Cơ quan nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) từng mô tả nơi rơi vào nghèo khó triền miên, lực lượng lao động phải bỏ nhà đến Bangkok, miền Trung Thái và cả xuất khẩu lao động đi nhiều nước.
Hoàng gia Thái Lan, bên cạnh các chương trình đầu tư hạ tầng, công nghiệp của chính phủ đã có thêm các dự án về nông thôn để hỗ trợ nhà nông. Những người bạn Thái Lan của tôi cho biết, ngoài các loại giống cây trồng, phương pháp canh tác mới, mỗi làng đều được các chuyên gia khuyến nông và trồng trọt đến giúp đỡ từ khi quy hoạch, chọn đất đến gieo trồng chăm sóc và thu hoạch nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Các làng còn được ưu tiên vay vốn, bố trí những địa điểm ven quốc lộ, tỉnh lộ và các thị tứ một số diện tích để mở quầy bán sản phẩm, được miễn thuế và tiền thuê mặt bằng. Đối với các làng nghề thủ công, như gốm, chế tác đá…, thợ trẻ được đào tạo kỹ lưỡng, cung cấp tín dụng rẻ, giới thiệu mẫu mã theo thiết kế được thị trường ưa chuộng và các sản phẩm cũng được ưu tiên địa điểm trưng bày, bán lẻ hoặc đưa đến các điểm du lịch…
Đi dọc các tỉnh lộ vùng Đông Bắc Thái, dọc tuyến Bangkok - Pattaya hoặc từ khu vực Tam giác Ngọc đến thủ đô, du khách thường dừng chân mua sản phẩm mỹ nghệ, trái cây hoặc hải sản chế biến của người dân Thái. Đó chính là kết quả của chương trình hỗ trợ tương tự như OCOP mà chúng ta triển khai bây giờ. Sau 20 năm phát triển tổng lực và lồng ghép, người dân vùng Đông Bắc Thái giờ không còn ly hương nữa. Người trẻ có tay nghề làm công nhân ở các trung tâm công nghiệp, du lịch dịch vụ mới mở ra, người cao tuổi và phụ nữ có công việc lẻ các làng nghề, cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương…
Vì thế, đối với chuyến khảo sát hành lang kinh tế Đông Tây, nên chăng ngoài xúc tiến về vận tải và logistics, dọc đường bộ đoàn khảo sát đi qua, đơn vị khảo sát có thể dừng lại nhiều nơi như tôi nói ở trên, nhằm khảo sát sâu hơn về tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề, hy vọng sẽ thu được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Riêng về vận chuyển và logistics, cảng Đà Nẵng đã làm từ nhiều năm qua nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. Đó là bởi các rào cản liên quan đến thủ tục hải quan, luật giao thông đường bộ, tiêu cực phí và cước phí vận chuyển khác nhau giữa ba nước đang là câu chuyện nhức nhối vượt ra khỏi sự kiểm soát của mỗi địa phương! Cho nên, không chỉ chuyện tham khảo cách làm của bạn mà còn cần động thái tháo điểm nghẽn ở cả tầm vĩ mô.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG