Xử với sử

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/01/2018 08:14

Nhân chuyện báo Tuổi trẻ đăng tải bài “Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?”, vào ngày 31.12. 2017, cả tuần qua dư luận chưa hết xôn xao. Các cuộc bàn luận trên truyền thông, cộng đồng mạng sẽ khó đến hồi kết, nhưng có vấn đề đáng nghĩ về cách xử lý tư liệu lịch sử, ứng xử với những phản biện và hành xử trong giới học thuật.

Đúng sai khoan bàn, nhưng hiện có nhiều ý kiến phản bác cách xử lý tư liệu của tác giả bài báo (Lam Điền) và cả những tác giả công bố nghiên cứu về bức chân dung vua Quang Trung (Trần Quang Đức và Nguyễn Duy Chính). Nội dung loại ý kiến này là nghi ngờ tính xác thực, bởi bức tranh trông ra người “mặt thỏ mỏ dơi” từ “một người bạn Trung Quốc cung cấp”, rồi có người lục ra trang Phượng Hoàng (cũng ở Trung Quốc)  đăng tải trước khi ông Trần Quang Đức công bố bức ảnh. Nhiều nhà nghiên cứu còn chỉ ra dấu hiệu ngụy tạo của bức chân dung vua Quang Trung. Còn bên phía những người có ý kiến ngược lại vẫn giữ chính kiến của mình xem đó là bức chân dung tiệm cận sự thực nhất, tỏ vẻ “ta đây không chấp” ai bàn luận nữa. Không khí căng thẳng lên, và đã xuất hiện lối ứng xử, hành xử khác biệt với tinh thần dân chủ trong học thuật khi thóa mạ nhân cách, chụp mũ qua lại. Xu hướng “học phiệt” cũng xuất hiện khi miệt thị những người mang cảm thức dân tộc tính là trì độn, bởi cứ tin vào hình tượng người anh hùng đẹp đẽ, phương phi (!?).

Vậy đâu mới là điểm hội tụ để tìm ra sự thật lịch sử? Lẽ ra hội khoa học lịch sử phải lên tiếng. Lẽ ra cần có những hội thảo, tọa đàm khoa học để tranh luận với tinh thần dân chủ trong học thuật. Lẽ ra nên tiếp tục để ngỏ vấn đề cho ai quan tâm thì tiếp tục tìm cứ liệu nghiên cứu nhằm tiệm cận được sự thật. Chúng tôi từng là những người học trò của môn sử, chỉ cần biết rằng khoa học lịch sử là  “sự tìm hiểu kiến thức bằng cách điều tra”. Hay như nhà bác học Cicero trước công nguyên đã đặt ra yêu cầu cho nghiên cứu lịch sử là đi tìm “ánh sáng của sự thật”.

Nói về những người học trò của môn sử, nguồn tiếp cận kiến thức, tri thức cơ bản qua cả chính sử, dã sử, huyền sử. Dã sử, huyền sử có phần hoang đường, huyễn hoặc do trí tưởng tượng của dân gian tô vẽ, nhiều sai lạc vì dị bản truyền miệng, nhưng cũng có chỗ phải xem xét đó là ký ức về thái độ của dân chúng với nhân vật lịch sử, triều đại lịch sử nào đó. Phần tiếp nhận kiến thức lịch sử chủ yếu do chính sử cung cấp. Chính sử được các sử gia ghi chép cẩn thận hơn, được nhà nước tổ chức biên soạn và ấn hành. Tuy nhiên chính sử ít nhiều vẫn để ngỏ cho những hoài nghi sự chân xác. Vì bởi không có ghi chép nào được coi là đầy đủ, chính xác hết thảy, lại bị chi phối bởi ý thức hệ thời đại, rồi hoàn cảnh, điều kiện, tâm thức, tình cảm của người chép sử. Không có cái gọi là khách quan tuyệt đối, tôn trọng sự thật tuyệt đối của kẻ ở chiến tuyến bên này viết về phía bên kia và viết về chính mình. Làm sao có thể tin hoàn toàn các sử gia nhà Thanh không ác cảm với vua Quang Trung  khi 20 vạn quân của họ bị đánh bại thảm hại, tơi tả? Làm sao có thể tin các sử gia nhà Nguyễn không bị vua chi phối vì mối hận thù với nhà Tây Sơn? Đó là chưa kể dù ghi chép “trung thực” nhất vẫn phải qua bộ lọc của quyền lực đang thống  trị, thậm chí bị bóp méo vì mưu đồ chính trị.  

Đọc các trước tác lớn, thấy sử gia phải tra chiếu, đối chiếu nhiều tài liệu ghi chép, từ nhiều nguồn của tất cả bên liên quan với sự kiện; lại phải có tâm minh bạch, trí cao sâu, kiến văn rộng, lời trung ngôn, mới có thể cho nhận xét, lý giải, bình sử một cách uyên bác.

Biết rằng, lịch sử  thường là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai. Nhưng nhận diện lại khuôn mặt của mình trong dòng chảy lịch sử thường không có đáp số duy nhất!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM