APEC, xa mà gần
APEC là Diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương, với 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 44% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới. Chính vì vậy, nội dung bàn thảo trong các kỳ họp APEC, có nhiều vấn đề mang tính chiến lược tầm xa. Và, với 21 nền kinh tế thành viên nằm 2 bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhiều chương trình hợp tác có tầm quy mô ảnh hưởng toàn cầu.
Vượt qua không gian địa lý xa xôi cách trở, từ khi được thành lập năm 1989 đến nay APEC đã đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam gia nhập thành viên APEC và có lẽ để “kéo” thế giới lại gần mình nên đã hai lần đăng cai tổ chức các hội nghị lãnh đạo cấp cao, hội nghị thượng đỉnh (2006, 2017). Mỗi kỳ họp của APEC là cơ hội cho thành viên đăng cai. Như APEC 2017 này, có khoảng 200 hoạt động ở các tỉnh thành tại Việt Nam đem lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch... Riêng Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới, dự kiến có khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế cùng các tập đoàn truyền thông lớn tham dự. Vào cuối tuần này, Hội An của Quảng Nam sẽ đón khoảng 500 đại biểu và hàng nghìn phóng viên tham dự sự kiện Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC. Bên lề hội nghị này còn các hoạt động dự kiến như các tour tham quan của phu nhân/phu quân các Trưởng đoàn cấp cao, Chương trình Tiếng nói tương lai dành cho thanh niên APEC... Rõ ràng, không cơ hội nào quý hơn để quảng bá hình ảnh Việt Nam và xứ Quảng bằng dịp này.
Vẫn có những chuyện bàn thảo về hợp tác chiến lược vĩ mô, tầm xa. Như tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính tổ chức ở Hội An (từ 19 đến 21.10) sẽ thảo luận về tình hình kinh tế và tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về bốn chủ đề ưu tiên trong năm, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch Hành động Cebu (với 4 trụ cột, về: thúc đẩy hội nhập tài chính, thúc đẩy minh bạch tài khóa, cải thiện bền vững tài chính, tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng). Chủ trì hội nghị này Việt Nam kỳ vọng hợp tác sâu rộng hơn nữa với các nền kinh tế trong lĩnh vực về thuế, hải quan, thỏa thuận hợp tác tài chính, tiếp tục mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài... Đi sâu vào nội dung dự kiến sẽ bàn thảo, chúng ta sẽ thấy những vấn đề tưởng xa mà gần, như các chủ đề ưu tiên hợp tác tài chính là: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; Tài chính bao trùm. Bốn chủ đề này đều là những thứ cấp thiết với Việt Nam để thu hút đầu tư hạ tầng, hay việc chống chuyển giá, hoặc tìm nguồn lực phòng ngừa rủi ro do biến đổi khí hậu, và đặc biệt ưu tiên tập trung thảo luận về phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng. Mới nghe tưởng xa xăm nhưng thực ra bàn chuyện tìm nguồn tài chính để giúp dân nghèo thích ứng biến đổi khí hậu, chống chọi thiên tai (bão lũ, xói lở bờ biển, cửa sông...) tác động đến đời sống, hay việc cần chuyển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, an toàn, thì gần gũi quanh Hội An, Quảng Nam cũng có thể cảm nhận.
Trở lại chuyện hợp tác làm ăn, Việt Nam có được lợi ích thiết thực khi xác lập quan hệ trong APEC. Rõ nhất, là hiện có 7 nền kinh tế thành viên nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore). Cánh cửa thị trường thông thoáng ra thế giới, đó là ước vọng hiện hữu.
“Ăn cơm mắm nói chuyện thế giới”, để suy tư một điều rằng, dường như ngày nay không có vùng đất nào, con người nào có thể nói “ta là một, là riêng, là thứ nhất, không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Tất cả đều phải hợp tác, liên kết vì lợi ích sống còn, để tìm kiếm sự thịnh vượng chung và thích ứng, phòng ngừa cả những rủi ro mà thiên tai, nhân tai đem đến.
NGUYỄN ĐIỆN NAM