Vì sao nước biển mặn?
Vụ tàu vỏ thép vừa đóng mới đã hư hỏng tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Động thái mới nhất của UBND tỉnh Bình Định, nơi có số lượng tàu hỏng nhiều, là đề nghị khởi tố vụ án, đồng thời khuyến cáo các chủ tàu khởi kiện đơn vị đóng tàu. Tuy nhiên, báo chí đưa tin trong buổi công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép, đơn vị đóng tàu là Công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định) vẫn vắng mặt không có lý do. Đây là một hành động minh chứng rõ nhất sự trốn tránh trách nhiệm.
Chuyện chối bỏ trách nhiệm không phải bây giờ mới lộ diện. Phải kể theo tích tuồng là ngay từ khi đại diện của công ty này cho rằng... nước biển mặn làm hư hỏng tàu. Câu nói của ông Trương Văn Đài, Phó Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương “đổ tội” cho nước biển và thời tiết làm tàu bị gỉ sắt, có thể đưa ông Đài lên... đài kỷ lục của sự lấp liếm. Mà không riêng ông Đài, đến ông Bùi Hữu Triệu, Phó Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu cũng theo ông Đài lên đài luôn vì cũng cho rằng nước biển mặn làm hư tàu. Sau khi bị phanh phui, hàng loạt vi phạm trong thực hiện hợp đồng, giả bảo làm chân, thay đổi thiết kế, chất liệu, máy móc... đóng tàu, các ông rồi sẽ rớt đài bởi không biết vì sao nước biển mặn. Nước biển mặn vì có người ăn mặn, ăn chặn tiền của ngư dân. Nước biển mặn vì cơ quan đăng kiểm tàu cá cũng làm ngơ chất lượng mà duyệt cấp phép. Nước biển mặn vì nước mắt của bà con đi biển xót xa vay tiền đóng tàu vươn khơi, làm “cột mốc sống” cho chủ quyền biển đảo.
Không riêng Bình Định, rất nhiều địa phương ven biển cũng đã lên tiếng về vụ tàu vỏ thép. Dù chưa đến mức bức bách như Bình Định, nhưng mới đây một số tàu vỏ thép của Quảng Nam cũng gặp sự cố phải nằm bờ. Thông tin từ Báo Công an Đà Nẵng cho hay tàu vỏ thép QNa - 94679TS (công suất 944CV) của ông Trần Văn Liên và tàu QNa -95997TS (công suất 822CV) của ông Phan Thu (Bình Minh, Thăng Bình) đều phải vào sửa chữa tại Đà Nẵng. Lãnh đạo ngành nông nghiệp của tỉnh cho biết sẽ kiến nghị giải pháp xử lý các vấn đề nóng liên quan đến chất lượng tàu cá, bảo hiểm tàu cá tại cuộc họp của Bộ NN&PTNT sắp tới về sơ kết chương trình đóng tàu theo Nghị định 67.
Cũng lưu ý rằng trước tình hình hàng loạt tàu vỏ thép ở nhiều địa phương xảy ra sự cố, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT làm rõ các thông tin liên quan đến việc đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.6.2017. Như vậy cuối tuần này đã hết thời gian hạn định, dư luận đang chờ công bố kết quả mà 27 tỉnh thành ven biển tổng rà soát tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67. Hy vọng rồi đây, câu hỏi vì sao nước biển mặn sẽ được trả lời.
Trả lời theo khoa học: nước biển mặn là do chứa lượng muối rất lớn, các đại dương trên trái đất chứa khoảng 50 triệu tỷ tấn muối. Trên khắp toàn cầu, 4 tỷ tấn muối từ các dòng sông đã thâm nhập vào các đại dương mỗi năm. Vì vậy, các đại dương trở nên mặn hơn nhiều so với thuở sơ khai. Tuy nhiên, lượng muối tăng thêm mỗi năm từ các dòng sông nhìn chung cân bằng với lượng muối tích tụ trở lại dưới đáy biển.
Trả lời theo cổ tích: nước biển mặn vì có tên nhà giàu ăn trộm chiếc cối xay muối của ông lão đánh cá nghèo, bơi thuyền ra biển và bị nhấn chìm. Lòng tham đã giết chết tên nhà giàu. Còn chiếc cối xay muối rơi xuống biển đã làm nước mặn, ngàn đời cung cấp muối cho con người.
Sau bao chuyện nhân tình thế thái, nhất là việc dối trá, lấp liếm của những kẻ đóng tàu vỏ thép, nước biển cũng đã mặn hơn, bởi “Em nghe mặn cả nỗi buồn/ Dường như vị muối đã luồn vào tim”. (Biển mặn - Huỳnh Hữu Võ).
NGUYỄN ĐIỆN NAM