"Tên lửa" thế hệ mới

NGUYỄN ĐIỆN NAM 25/02/2017 14:29

Gần đây, thế giới xôn xao vì Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa thế hệ mới thành công. Đó là loại tên lửa có tầm bắn xuyên lục địa. Sự kiện này lần nữa làm tình hình an ninh leo thang căng thẳng.

Không phải là vũ khí công nghệ cao, nhưng ở xứ Việt ta cũng có loại “tên lửa” thế hệ mới gây ồn ào dư luận cả nước. Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết các lãnh đạo ở 9 địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào đơn vị do mình quản lý. Có đến 58 trường hợp như vậy, được “gắn chuôi” họ hàng.

Tầm tác động của loại “tên lửa” này đi xa và rộng, kéo dài từ Yên Bái, Hà Giang, vào Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ. Vợ bí thư tỉnh, em chủ tịch tỉnh, vợ và em bí thư huyện... được “phóng” lên chức bất chấp tiêu chuẩn không đạt, thiếu chứng chỉ, không cần lấy phiếu tín nhiệm, sai trình tự thủ tục... Kết quả kiểm tra nói trên của Bộ Nội vụ là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, qua các vụ việc mà báo chí phản ánh. Thực sự đây mới là điểm mặt ban đầu, chứ nếu làm kỹ, làm hết, thì chắc không ít ngành, địa phương sẽ phát hiện thêm “các đồng chí chưa bị lộ”.

Vì sao cái nạn con ông cháu cha len lỏi vào các cơ quan công quyền ở mức độ rộng và sâu đến vậy? Hẳn trước hết là vì lợi ích nhóm. Hãy cứ hình dung rằng họp cơ quan đơn vị, kiểm điểm công tác, mà toàn người nhà ngồi với nhau thì đồng chí con kính thưa đồng chí bố, đồng chí vợ thưa đồng chí chồng, thủ thỉ với nhau thì toàn khen thưởng chứ phê bình gì được. Như thế ghế lãnh đạo choãi ra vững chãi, lại được “truyền ngôi vị” liên tục “con vua thì được làm vua”, không còn cửa cho người tài ở ngoài vào được. Rõ ràng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức còn kẽ hở để cho tình trạng này có xu hướng tràn lan ra. Kẽ hở nằm ở đâu? Các chuyên gia đã chỉ ra rằng trong luật mới chỉ quy định việc cấm bổ nhiệm người nhà đối với những vấn đề về tài chính, kế toán, còn những chức danh hành chính thì chưa có quy định cấm nào. (Trước đây, Pháp lệnh cán bộ công chức có quy định “Người đứng đầu và cấp phó cơ quan, tổ chức, không được bố trí vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho...”). Ngoài ra, pháp luật mới quy định số lượng cấp phó (người đứng đầu ngành, địa phương) theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Nhưng đối với lãnh đạo, quản lý là cấp phó tại các phòng, ban trực thuộc cơ quan, đơn vị cụ thể thì chưa quy định số lượng rõ ràng. Vì vậy, một số cơ quan, đơn vị, phòng chỉ có 3 cán bộ thì 1 người là trưởng phòng, 2 người là phó phòng, thậm chí như Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 người thì hết 44 người làm lãnh đạo (!). Còn kẽ hở khác nữa là chưa có quy định nào ngăn cấm nên không ít thủ trưởng sắp về hưu ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý không đủ điều kiện, tiêu chuẩn... vì không còn sợ trách nhiệm.

Bộ Nội vụ cũng có kiến nghị tới đây sẽ tham mưu sửa đổi luật để làm “lá chắn” ngăn những loại “tên lửa” thế hệ mới kể trên. Có lẽ, bài học lớn nhất là chúng ta đã... không học cha ông xưa về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý. Như triều vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã quy định rằng: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”. Đến thời vua Minh Mạng còn quy định người làm dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh, nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ thì phải tách ra bổ nhiệm làm việc nơi khác. Dĩ nhiên các ông vua ấy cũng bị hạn chế vì chuyện truyền ngôi cho con nhưng các quy định vừa nói có điểm hay cần nghiên cứu. Đã xây dựng nền dân chủ rồi lẽ nào quay trở lại học cái dở của thời quân chủ?

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM