Lễ hội, lành và dữ
Có khoảng 8 nghìn lễ hội ở khắp các vùng miền của nước ta. Mùa xuân là mùa diễn ra nhiều lễ hội nhất. Lẽ ra, có nhiều lễ hội thì hẳn phải an lành với sự nguyện cầu giàu tính văn hóa, thấm đẫm nhân văn. Vậy nhưng, mấy năm gần đây, sau tết lại rộn lên nhiều chuyện đáng suy ngẫm về lễ hội, về sự lành - dữ, về ngành kinh doanh mang nhãn mác là du lịch tâm linh...
le-hoi.jpg |
Trước hết, có nhiều băn khoăn về cái gọi là hủ tục trong tính thiêng. Đành rằng có những lễ tục đã dựng thành cả nghìn năm như tục hiến máu, hiến sinh để tế thần; ở đó, người ta vấy máu lên mâm lễ cúng, với tiết gà, tiết trâu, tiết heo... Tuy nhiên, tín ngưỡng tâm linh đó đã không còn phù hợp với đời sống văn minh, mặt khác gây sự phản cảm về văn hóa, vậy duy trì, phục dựng để làm gì? Không dưng mà dư luận phản đối kịch liệt chuyện đâm trâu, chém heo, và mới đây là thắt cổ trâu cho đến chết trong lễ hội. Rất có lý rằng, đối xử với con vật hiến tế như vậy là hành động phi nhân, kích động tính khí man rợ, ác dữ của con người.
Để sửa điều nói trên không khó. Như ở Quảng Nam, vùng cao bây giờ đã vắng dần cảnh đâm trâu cho đến chết. Đồng bào Cơ Tu ở nhiều làng đã có cách làm hay là lấy một tí máu huyết của con vật hiến tế để cúng thần rồi đưa đi giết mổ nhanh mà tổ chức liên hoan cộng đồng. Thiết nghĩ làm thế tính thiêng của lễ vẫn không mất đi mà lại phù hợp với nhãn quan của đời sống văn minh. Thần, giàng có thiêng, ắt cũng chứng tri đó là điều lành, hướng thiện cho con người.
Nhân đây cũng bàn về nạn lạm dụng tâm linh tín ngưỡng của dân chúng để xây chùa dựng miếu, rồi tổ chức lễ hội, thu tiền của cúng tế, và có nơi gọi một cách thời thượng là du lịch tâm linh. Dòng chảy của cuộc sống thật lạ, nhiều đoạn khúc trái ngược nhau. Hồi nào thì “vô thần”, phản phong, đập miếu, phá đình, bài trừ triệt để cả lễ hội liên quan chùa chiền. Bây giờ thì “hữu thần” đến chỗ nào cũng có thần cả. Nhiều đền chùa mở rộng để... đặt thùng “phước sương”, “công đức”; rồi làm chùa to, tượng phật lớn để... đạt kỷ lục. Không ít chùa xây nên do ông sư giỏi vận động tiền của thập phương mà đức hạnh thì người ta xì xào. Mới đây, hình ảnh phản cảm của nhà sư phát lộc ở chùa Hương khiến người ta giẫm đạp mà giành, khiến dư luận càng bức xúc. Đi kèm với các kiến trúc tín ngưỡng thờ tự là việc phục dựng lễ hội. Đồng ý chuyện bảo tồn và phục hưng lễ hội cổ truyền cũng là cách để cho dòng mạch thiêng, tính thiêng bồi tụ cuộc sống con người thêm phong phú, giàu bản sắc. Tuy nhiên, như một số nhà nghiên cứu lên tiếng, việc phục hưng lễ hội tràn lan với những tập tục lạc hậu khiến cho con người rơi vào ma trận của niềm tin mù quáng. Thậm chí sự dung tục đã bào mòn giá trị hình tượng, biểu tượng thiêng, khiến một số lễ hội trở thành đám bát nháo. Rồi chuyện cán bộ công chức, dù Chính phủ đã răn đe nhưng vẫn dùng xe công và trốn việc công trong giờ hành chính để đi lễ hội...
Thực ra du lịch tâm linh không mới. Rất lâu rồi người Quảng vẫn mang một niềm tin tâm linh rất lành để đến với lễ hội Cộ Bà Chợ Được, hay lễ Bà Thu Bồn, lễ cầu Bông, cầu mùa... Thế giới tâm linh là thế giới tưởng tượng, hay là một sự cảnh giới giúp con người ta sống nhân hậu trong đời thực. Cũng từng có một hội thảo quốc tế về du lịch tâm linh, mà ở đó, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam là mảnh đất “màu mỡ” để phát triển loại hình du lịch này. Người ta ước tính mỗi năm, hàng triệu triệu khách du lịch các nơi trên thế giới, trong đó khoảng 40% khách đi theo các tour du lịch tâm linh. Tuy nhiên, du lịch tâm linh của Việt Nam cũng có chuyện lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi. Một nhận xét trên một tờ báo rằng ở Việt Nam, đầu năm dân chúng đổ xô đi “hối lộ” thánh thần để xin lộc. Người ta đua nhau dâng bánh chưng to, bánh dày lớn, bày biện mâm cao cỗ đầy để cố cầu cho được tài lộc, công danh. Vì thế, một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải thốt lên lời chua chát, rằng lễ hội và văn hóa tâm linh đã và đang trở thành cơ hội cho những ai đang muốn “giải ngân tâm hồn mình”, cho những ai đang muốn “rửa tiền, rửa tâm” thông qua các hoạt động nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng. Chính điều đó đã làm lệch chuẩn giá trị lễ hội, tạo nên “cơn hoảng loạn tâm hồn” hay thậm chí là khủng hoảng về các giá trị nhân văn trong xã hội.
Nói về sự lành dữ, không chỉ ở quan niệm và cách thể hiện niềm tin tâm linh mà còn ở cả hành vi ứng xử của người đi dự lễ hội. Báo chí, mạng xã hội, liên tục đưa những hình ảnh xấu xí về chuyện ban lộc, “cướp” lộc, tranh giành, giẫm đạp lên nhau trong lễ hội. Mô tả lễ hội, không hiểu sao thấy từ “cướp” hô toáng lên ở nhiều nơi, rồi bày rượu thịt nơi linh thiêng, đốt vàng mã ngùn ngụt, nhét tiền vào tượng thánh thần, “chặt chém”, trấn lột người đi hội... Thật là nháo nhào, đảo lộn giá trị thiêng của lễ hội!
NGUYỄN ĐIỆN NAM