Đứng, ngồi, chào Well C....

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/08/2016 06:28

Bạn định mở một nhà hàng phục vụ du lịch, hỏi cần chú ý điều gì, tôi nói ngay phải coi trọng chỗ anh đứng, chị ngồi.

Cụ thể là cái gì?

Thì đó là chỗ mà khách du lịch, ta cũng như Tây, sau khi Welcome (chào nồng nhiệt) liền hỏi đến... Well C.

Đùa với bạn chứ lòng rất thật mà nghĩ việc làm du lịch đầu tiên phải quan tâm đến cái WC (mà giỡn với dân nói tiếng Anh lõm bõm thành ra... Well C., vậy thôi).

Cái nhà vệ sinh - WC, đã thành nỗi “sợ” của du lịch. Bằng chứng đâu mà nói vậy? Thì đây, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch tổ chức ở Hội An vừa rồi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ ra rằng, có đến 70% khách quốc tế đến với Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Rõ ràng, ngoài những thứ có nguy cơ đe dọa tính mạng (như cướp giật, tai nạn giao thông)  còn có thứ làm khách sợ phát khiếp, ví dụ như nhà vệ sinh dơ bẩn. Vậy mà, ở xứ Việt ta, làm du lịch thì tràn lan nhà hàng quán xá, làm công trình công cộng với nhiều quảng trường to nhưng không quan tâm xây dựng hệ thống nhà vệ sinh.

Cũng tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thời gian qua, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015; phục vụ 38,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 235.000 tỉ đồng (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015). Trong bối cảnh ấy, du lịch Quảng Nam cũng có những con số thống kê ấn tượng, rằng 7 tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách tham quan, lưu trú gần 2,477 triệu lượt, doanh thu đạt gần 5 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3%). Tuy vậy, như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ ra, du lịch còn hàng loạt hạn chế, yếu kém về cơ sở vật chất, nguồn lực, tình trạng “chặt chém”, chèo kéo du khách. Thêm nữa, chiến lược xúc tiến du lịch hiện nay chưa phù hợp, nhiều địa phương không xác định được thị trường trọng điểm, chưa phù hợp với những thói quen khác nhau của khách quốc tế, nhất là khách châu Âu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong phát triển du lịch còn yếu kém...

Trở lại câu chuyện về cái WC, từ rất lâu ngành du lịch đã chú ý đến vấn đề xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Có nhiều khẩu hiệu rất kêu được giăng lên như từ năm 2009 đã phát động “ở đâu có nhiều hành khách qua lại, ở đó có nhà vệ sinh sạch đẹp”, rồi đến chiến dịch “làm mới và chuẩn hóa nhà vệ sinh”, hay “ở đâu có du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”. Không chỉ bộ chủ quản, mà đến Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ “hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách” với Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013 - 2020.

Phương châm là vậy, song việc đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch (trong đó có cái WC) vẫn còn nhiều yếu kém là do hành động chưa theo kịp nhận thức. Dường như chúng ta chú ý nhiều vào việc cố gắng thu hút khách càng đông càng tốt nhưng chưa chú trọng chất lượng phục vụ. Với khách Tây, không phải cứ lo việc ăn gì, uống gì là xong mà ngay phút đầu tiên phải chỉ cho họ thấy anh... Well C. như thế nào. Trường hợp bỏ tour, hủy đặt phòng, đi khỏi quán xá hay quay gót khi tới điểm đến du lịch, có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là ở khâu vệ sinh quá kém.

Du lịch Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn xúc tiến quảng bá du lịch với các  slogan rất kêu như “Việt Nam – điểm đến của thiên niên kỷ mới” - mà hình ảnh là cô gái Việt đội nón lá cười rạng rỡ, rồi “Hãy đến với Việt Nam” (welcome to Vietnam), “Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn” (Vietnam – The hidden charm), “Vẻ đẹp bất tận”. Dù vậy, có đẹp tới đâu mà “chuyện khó nói” về giải quyết cái đầu ra chưa đẹp, chưa sạch thì rất khó để hấp dẫn khách. Cho nên, nói không ngoa như giới hướng dẫn viên du lịch rằng, muốn nâng cấp du lịch trước hết phải nâng cấp cái WC.

Chỗ anh đứng, chị ngồi (Well C.), phải là công trình cần tiếp tục quan tâm, không thì cứ chào mời mãi mà du khách vẫn chào tạm biệt, “một đi không trở lại”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM