Một khúc sông đời
Ai cũng có lần đi qua một khúc sông đời, đó là thời đi học. Và thời đẹp đẽ ấy lưu giữ ký ức hình bóng ngôi trường, thầy cô, bè bạn, thu vào khung trời hoa mộng “Quê hương là đường đi học/ con về rợp bướm vàng bay…” (Đỗ Trung Quân).
Chỉ mấy mươi năm, chuyện giáo dục với trường lớp, dạy - học, thầy - trò, sách vở đã có nhiều biến thiên, thay đổi. Những năm đầu sau giải phóng, khi tôi còn là cậu bé học trường làng, giáo dục tiểu học chỉ bắt đầu việc rèn chữ và vài phép toán đơn giản. Trường học thì tạm bợ, do dân ba làng góp công tận dụng vật liệu sẵn có mà dựng lên. Ngôi trường ấy heo hút ở một bến đò bên sông Vĩnh Điện. Lớn lên chút, từ trường thôn xuống trường xã, cũng vẫn cảnh ọp ẹp ấy trên vùng cát Điện Nam (Điện Bàn). Đường đi học băng qua những nổng cát rát bỏng đến nỗi “gà con mang dép 4 giờ chiều còn mang” và còn giăng mắc đầy xương rồng. Sợ nhất là bom mìn còn vương vãi rất nhiều trên những cồn cát mà thi thoảng lại nghe học trò đập nổ, gây chết chóc thương vong. Kể vậy để thấy sự đổi thay rất lớn từ hạ tầng cơ sở với sự khang trang hơn của những ngôi trường. Từ xã lên phường, người đi học nhiều hơn, học trò cũng “sang” hơn với phương tiện đi lại, trang thiết bị, sách vở thơm tho bóng loáng…
Cái được đã rõ, đã nhiều. Tuy nhiên sự ưu tư về giáo dục thì chưa bao giờ ngưng nghỉ, và thậm chí còn nẩy sinh những chuyện lạ lùng.
Thời tôi đi học, thầy cô giáo như cha mẹ. Đúng nghĩa vậy, trò “mất dạy” có thể bị ăn roi nhưng thầy cô luôn được trọng vọng. Trò nghèo mà chăm học, học giỏi, thầy cô thường đến thăm nhà để động viên, cho mượn thêm sách vở. Có khi trước buổi dạy thầy cô dành cơm nguội hoặc nấu khoai sắn cho cả thầy và trò lót bụng. Trò đau thì tìm lá xông. Đi lao động, cắm trại thì thầy cô chăm từng bữa ăn giấc ngủ. Tôi nhớ mãi hình ảnh những thầy cô hồi học cấp II trên vùng cát Điện Nam như thầy Thường, thầy Đồng, cô Trân, cô Dương, cô Tuyết, cô Bòng,… là nhờ tình yêu thương thấm đẫm và giản dị ấy trong hoàn cảnh ai cũng đói vàng cả mắt. Thầy thương trò thì trò cũng thương kính lại; có trái bí ngon, quả trứng gà, lon nếp thơm cũng để dành mang đến biếu thầy cô nhân ngày tết, ngày 20.11.
Nhắc lại những kỷ niệm xưa để thương cái nghèo mà thảo một thời. Còn bây giờ, chuyện dạy và học khác lắm. Báo chí, dư luận đã lên tiếng nhiều về biểu hiện thay đổi tiêu cực trong quan hệ thầy – trò, lại thêm những tác động tiền bạc, cải cách liên miên, nên dạy và học đều mệt nhọc, không phải vì đói cơm lạt muối mà do lạt cái tình. Không ít nơi diễn ra hiện tượng dạy và học theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Và, đặc biệt đáng cảnh báo là bạo lực học đường, thầy trò mà đánh lộn nhau, “đổi điểm tống tình”, chạy trường chạy điểm. Hiện tượng đó, dù ít, cũng làm xói mòn niềm tin vào giáo dục, vào cái gì rất thiêng liêng trong quãng sông đi qua của đời người.
Trong ngày Nhà giáo Việt Nam, nhắc về kỷ niệm đẹp nhưng cũng mạo muội bày gan ruột với chút suy tư như thế liệu có điều gì hụt hẫng không? Thiển nghĩ, niềm tri ân với những người thầy tận tụy với nghề “trồng người” thì đời nào vẫn có, vẫn quý. Nhưng người hết làm trò thì đến lúc làm thầy càng phải biết trân quý chăm chút cho mối dây tình nghĩa thầy - trò, một giềng mối đem lại sự bình an, phát triển của xã hội. Người làm thầy ra thầy thì đời vẫn vinh danh, kính trọng, thêm hạnh phúc khi có học trò đứng lên vai mình mà tiến bộ. Như thế, khi đi qua những khúc sông đời khốn khổ nhọc nhằn, ngoảnh lại, lòng càng thương hơn những người đưa đò, gieo chữ, ươm mầm cho tương lai.
Quả là bời bời tâm trạng như nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Tấn Sĩ bộc bạch với “Trường xưa”:
Quá giang một khúc sông đời
Đã nghe tóc nhuộm rối bời mây bay…
NGUYỄN ĐIỆN NAM