Chiều sang thu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/08/2015 08:34

1. Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết, đất nước tạm chia hai miền. Ba tiễn đồng đội đi tập kết rồi ở lại miền Nam tham gia đấu tranh chính trị. Hai năm chờ đợi tổng tuyển cử toàn quốc trôi qua chóng vánh. Không có hy vọng hòa bình lập lại. Ba rút vào hoạt động bí mật, nhưng năm Bính Thân - 1956, chị được sinh ra.

Người ta nói, phụ nữ tuổi Thân thì hay… tủi thân. Sống ở vùng bom rơi đạn nổ ác liệt thời ấy, thui thủi rúc hầm cả ngày, tủi buồn chị mới chui lên chơi trò nhảy dây. Ai dè, toán lính giặc đi càn nổ súng, chị bị đạn xé toạc vùng bụng. Bà con ào lên ôm chị, băng bó rồi cấp tốc đưa ra Đà Nẵng. Cái chết mười mươi. Nhưng rồi chị sống, một sự sống kỳ lạ sau nhiều lần mổ cắt nối ruột, vùng bụng chi chít ngang dọc vết dao kéo khâu da.

Vết thương do đạn bom chiến tranh có thể lành miệng nhưng lại nảy sinh hệ lụy khác của đời người. Đất nước hòa bình thống nhất cũng là lúc chị bước vào tuổi 20 với khuôn mặt bầu bĩnh. Chị xông xáo tham gia du kích xã, giữ gìn trị an làng xóm và giúp bà con dựng nhà, khai hoang phục hóa, dựng lại quê hương trên hoang tàn đổ nát. Rồi chị tình nguyện đi nghĩa vụ để đắp hồ Phú Ninh, La Nga - Cao Ngạn. Chị vui vẻ hoạt động đoàn thể, hát xướng. Rồi cũng có người để ý thương. Một đêm trăng sau những lời tình tự, người ấy quờ tay ôm lưng bụng chị, hoảng hồn khi chạm vào làn da cộm đầy vết mổ. Hỏi ra, hiểu chuyện, người ấy càng thương chị hơn nhưng rồi sợ. Nỗi sợ mơ hồ về cuộc đau sinh nở mà người phụ nữ như chị khó vượt qua. Từng mối tình lặng đi. Từng năm tháng trôi tuột. Vết thương lòng sâu hoắm. Cho đến 45 tuổi rồi chị mới quyết định kiếm một mụn con. Ngày từng ngày chị ươm mầm hy vọng. Và rồi ngày sinh nở đến, khi cơn đau trở dạ, nỗi sợ mơ hồ trỗi dậy, chị cứ hối thúc mấy em mình đưa đi bệnh viện mổ gấp. Mổ, mổ, mổ, chị sợ các vết thương vùng bụng toạc ra hay sao? Vậy mà lần nữa, sự kỳ diệu của cuộc sống cho chị vượt cạn, sinh được cháu bé bụ bẫm. Bây giờ chị có thể tự hào vì đã làm được thiên chức đàn bà. Dẫu còn có lúc tủi thân vì sự thui thủi khác của ngưỡng chiều sang thu nhưng chị có chút niềm vui khi con gái bước vào tuổi 20, xinh xắn.

2. Bao năm chị nuôi chồng là thương binh. Rồi người ấy ra đi. Lo cho anh mồ yên mả đẹp; dựng vợ gả chồng cho con xong rồi, chị cảm thấy hoang hoải. Cái nỗi buồn của người đàn bà khi tuổi sắp xế chiều mấy ai hiểu hết. Nhà dột, chị cần một bàn tay dọi lại. Ảng nước khô chị cần người quảy gánh. Đêm mưa nghe trời rí rắc những nỗi niềm vô định. Bỗng đâu xuất hiện một người lính biển, chị mở lòng tâm sự, nhắn tin. Người ấy tranh thủ mấy ngày phép đến thăm chị, thắp hương cho chồng chị xong, leo lên nóc nhà dọi mái, rồi ở lại với chị qua đêm. Thế là có lời xầm xì, từ chỗ làm đến làng xóm, bà con. Chị biết nói sao bây giờ? Chiều sang thu có bao điều ngại ngùng, chị đành im lặng chịu đựng. Tuổi xế chiều rồi còn con cái chi được nữa, chị chỉ cần một bàn tay ấm áp sẻ chia để đi hết đời người đàn bà.

3. Đời người phụ nữ, trải qua mấy cung bậc từ bé gái, con gái, cô gái, chị gái, bác gái đến bà cụ. Hai người chị ấy đều sắp đến ngưỡng làm bác gái, tương lai thành bà cụ cũng không xa. Họ đi qua những năm tháng nhọc nhằn làm mẹ, làm vợ, cuối cùng đơn chiếc, lẻ bóng. Họ đều gắng sống với thiên chức đàn bà nhưng cô đơn trong tủi thân ám ảnh, đặc biệt khi xã hội khắt khe với ánh nhìn thương hại hoặc châm chích. Khi chiến tranh đẩy đàn ông ra trận, phụ nữ phải chịu thương chịu khó gánh vác chuyện nuôi con, giữ hạt mầm cho tương lai. Và, nếu không may là nạn nhân của bom đạn thì họ bị thiệt thòi nhiều nhất với vết cứa thân phận dai dẳng. Cộng đồng sẽ làm gì cho những người phụ nữ tuổi ngả sang mùa thu bóng xế? Cần biết bao tấm lòng chia sẻ, cảm thông!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM