Những gì còn lại...

PHAN HOÀNG 26/07/2015 08:44

Bạn là sinh viên cử tuyển mới ra trường, lơ ngơ vào Hiệu sách nhân dân mua hồ sơ xin việc, gặp tôi bạn buồn buồn “mua cái này nữa là cái thứ 4 rồi đó”. Tôi nhìn bạn và nhớ lại hình ảnh mình của 13 năm trước, khi mới tốt nghiệp đại học, ngơ ngáo chạy khắp nơi xin việc. Nhưng bạn là sinh viên cử tuyển, phải khác chứ? Vì có chế độ ưu tiên của Nhà nước mà. Bạn lắc đầu liên hồi, chừ khác trước nhiều lắm rồi. Bạn kể, ở Nam Giang quê bạn, sinh viên cử tuyển như Zơrâm Thị Son (Trường Đại học Tây Nguyên, khoa Nông lâm nghiệp) ra trường 1 năm mà chưa có việc làm. Như Zơrâm Thim, Cao đẳng sư phạm Mỹ thuật Quảng Nam, ra trường 4 năm cũng không xin được việc. Huyện bảo không nhận vì Thim học cử tuyển cao đẳng, trong khi huyện chỉ có nhu cầu đại học. Nhà Son và Thim ở xã Đắk Tôi, học xong về gói bằng cất kỹ, lại lên rẫy chọc tỉa, kiếm cái ăn – như trước khi rời rừng về đồng bằng học chữ. Bạn kể tiếp, như vợ chồng nhà Đ.T.T.V., ra trường 4 năm không có việc làm. Chờ mãi, chờ mãi. Hôm lên phòng GD-ĐT huyện xem danh sách xét viên chức không thấy có tên mình, ôm nhau khóc như núi lở. Các anh ở phòng thương quá, đành sắp xếp bố trí 1 suất. Vợ nhường suất đi làm cho chồng. Bạn nhìn tôi gặng “Tin không?”, tôi lắc đầu.

Đó chỉ là vài trường hợp cụ thể. Quảng Nam có đến hàng trăm trường hợp như vậy. Và làm gì với con số đó thì trong một sớm một chiều, không lãnh đạo tỉnh, huyện hay ngành trả lời dứt khoát được.

Trong một cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề cử tuyển hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nhiều năm qua, nhờ lực lượng cử tuyển này mà đội ngũ cán bộ ở vùng sâu vùng xa cơ bản được đáp ứng. Sau một thời gian dài áp dụng chính sách, số lượng sinh viên cử tuyển đã qua đào tạo khá nhiều trong khi công việc ở vùng sâu, vùng xa không lớn. Vì vậy, sau khi đào tạo đủ rồi thì bây giờ đào tạo ít đi. Một số địa phương thấy đủ hoặc không cử tuyển được thì phải điều tiết nhân sự ở các vùng, địa phương này sao cho hợp lý. Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó quy định rất rõ chính sách cử tuyển mới, có ràng buộc một phần trách nhiệm của địa phương trong việc cử tuyển và sử dụng lao động cũng như quy định thời gian người học chờ đợi được bố trí việc làm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng, khi đào tạo nhân lực cho vùng sâu, vùng xa phải có quan điểm: ngoài các em sau khi tốt nghiệp về làm việc ở địa phương cho các cơ quan nhà nước thì bản thân người học cũng phải làm việc cho lĩnh vực tư nhân hoặc tự tạo công ăn việc làm, chứ không phải đào tạo ra dứt khoát đi làm ở khu vực nhà nước vì công việc đó rất hạn chế. Bài toán đào tạo và xử lý lao động phải được hiểu và tính theo cách khác đi.

Nói và nghe thì thật dễ, nhưng để giải quyết việc làm cho số sinh viên đã tốt nghiệp đang tồn đọng ở thời điểm này, chỉ riêng với Quảng Nam đã là chuyện không dễ. Bởi nó liên quan đến những người ở miền núi, vốn chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện vật chất so với ở đồng bằng.

PHAN HOÀNG

PHAN HOÀNG