Thiêng và tục
Đang mùa lễ hội diễn ra khắp nơi, nhiều suy tư chợt dậy lên với tính thiêng và sự dung tục.
Tính thiêng có thể bắt đầu bằng sự kỳ lạ của phép màu.
Một đấng linh thiêng ban phép màu cho một cộng đồng vượt qua tai ương ngặt nghèo. Người đi biển hay gặp cá voi, cá heo dựa thuyền lúc lâm nạn sau khi lầm rầm cầu nguyện, nên cho rằng có Phật bà Quan âm sai ông ngư đến cứu. Trong cơn bão, hoặc thời đạn bom khói lửa, nhiều nhà đổ sụp, riêng một ngôi nhà thờ, ngôi chùa vẫn đứng vững, làm chỗ trú ẩn của dân chúng; vì thế người dân nghĩ họ được thánh thần, chúa, phật che chở… Vô vàn trạng huống ngẫu nhiên của đời sống, dẫn con người đến chỗ nương nhờ vào niềm tin như thế. Có thể từ đó góp cho tín ngưỡng những sắc màu thiêng hóa sự vật hiện tượng. Vì thế, con cá có thể trở thành “ông ngư” trong lễ hội cầu ngư; hòn đá, ngọn cây cổ thụ.. đều có thể thành thần.
Tính thiêng thường gắn với biểu tượng linh thiêng của tôn giáo, hoặc nhân vật có những công tích lớn trong lịch sử gắn với cuộc đời đầy phong ba. Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thành Đức Thánh Trần; hay như bà chúa Liễu, bà chúa xứ, đều được lập đền thờ, lăng miếu, cũng vì vậy.
Tính thiêng cũng gắn với biểu tượng của tín ngưỡng. Từ tô tem giáo, bái vật giáo cổ xưa, con người còn lưu lại tập tục phong thần và thờ cúng tự nhiên. Đến khi xã hội có tập tính bầy đàn, sau đó phân chia ngôi thứ, thì những vị đứng đầu trong cộng đồng được thiêng hóa sức mạnh, niềm tin. Vì vậy, ai cũng có tổ, nghề nào cũng có tổ. Nhưng những đấng hữu ích cho đời như tổ tiên dòng họ hay tổ sư của nghề được thờ cúng hẳn có phần hữu lý, chứ còn “thần bạch mi” hay “tổ bị gậy” mà nay còn thờ cúng thì có ý nghĩa gì (?!).
Để giữ tính thiêng, người ta tổ chức lễ hội. Và, lễ hội thường gắn với một ý niệm thiêng liêng, biểu tượng thiêng, nhân vật thiêng trong không gian thiêng… Đôi khi có sự vật tưởng là hình tượng của cái tục như bộ phận sinh dục nam nữ (mà có lễ hội ở ngoài Bắc gắn với cái ấy; hay tục tắm rửa cho linga, yoni của người Chàm) nhưng thực ra đó là biểu tượng của phồn thực và phần nào thể hiện quan niệm triết lý, triết học.
Ở góc độ văn hóa, bảo tồn và phục hưng lễ hội cổ truyền cũng là cách để cho dòng mạch thiêng, tính thiêng bồi tụ cuộc sống con người thêm phong phú, giàu bản sắc. Tuy nhiên, như một số nhà nghiên cứu lên tiếng, việc phục hưng lễ hội tràn lan với những tập tục đã lạc hậu khiến cho con người rơi vào ma trận của niềm tin mù quáng. Lễ hội chém lợn, lễ đâm trâu… khiến cho tổ chức bảo vệ động vật phải lên tiếng là vì hình ảnh bạo lực vấy máu. Bên cạnh đó, những dụng ý dung tục làm cho tính thiêng của lễ hội mất đi, bào mòn giá trị hình tượng, biểu tượng thiêng. Làm sao lại tin là cái ấn đền Trần có thể giúp phát tài phát lộc, thăng quan tiến chức, để rồi dẫm đạp lên nhau suốt mấy mùa lễ hội nhằm giành lấy lá ấn? Làm sao lại có thể dâng cúng phật xôi thịt, hát hò rao bán hàng rong xen lẫn với câu kinh niệm phật ngay trong lễ hội chùa Hương? Sự dung tục đã khiến một số lễ hội trở thành đám hội hè bát nháo. Khoảng 8 ngàn lễ hội diễn ra hằng năm, cho thấy dân ta ưa hội hè và chắc không phải lễ hội nào cũng tốt đẹp cả.
Tính thiêng có thiêng là nhờ ý nghĩa làm an nhiên cuộc sống. Còn sự dung tục vẩn đục nhân tình, suy đồi đạo đức.
NGUYỄN ĐIỆN NAM