Thưởng thức Kiều
Bước vào năm 2015, vừa chẵn 250 năm ngày sinh, 195 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới, nhưng cứ theo lời ông thì phải đợi gần 100 năm nữa mới hóa giải được niềm ký thác: Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như…
Vậy ra cuộc đời đầy bể dâu và những áng thơ bất hủ của đại thi hào cho đến nay vẫn rong ruổi đi tìm tri âm? Hẳn vậy, minh chứng là Truyện Kiều, qua hàng trăm năm, đã có hàng triệu triệu độc giả đến với Kiều, đam mê Kiều, mà vẫn chưa ai dám nói “tôi đã hiểu hết Kiều, cảm mọi vẻ đẹp của Kiều, thấm tất thảy nỗi đau và hạnh phúc của nhân sinh qua Kiều”. Tâm sự của Kiều đã “vận vào” câu hát ru, một làn điệu dân ca, chuyển thể thành một vở chèo hay trở thành điển tích, điển cố văn học… Bên cạnh đó là “nghệ thuật chơi” với những trò thả thơ Kiều, bình Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều và thậm chí… bói Kiều. Trong các hình thức thưởng thức hiện diện như “kiểu chơi” ấy, đố Kiều có nhiều gợi mở thật thú vị. Tỉ như giai thoại văn học về anh chàng học trò hay chữ thường cho mình thuộc “nằm lòng” Kiều. Một hôm gặp phải mấy o xứ Nghệ thách dùng Kiều để điều khiển… con trâu đi cày, chàng ta hắng giọng: “Vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà” hàm ý bảo trâu “đứng” lại. Nhưng con trâu vẫn đi. Các o cười rộ, một o cất tiếng: “Họ… Chung có kẻ lại già” (cô nhấn chữ “họ”) thế là con trâu dừng. Lại đố chàng bảo con trâu đang đi rẽ lối. Thư sinh lại hắng giọng: “Rẽ… mây trông tỏ lối vào thiên thai” (anh ta nhấn chữ “rẽ”). Lần này các o cười to: Anh ơi nghe này: “Nước ngâm trong… vắt… thấy gì nữa đâu”. Nghe chữ “vắt” con trâu lập tức rẽ lối. Phải tội cho những anh mọt sách lại hay huênh hoang chữ nghĩa. Chữ của Kiều cần phải “vận vào” đời sống từng trải mới thấm được. Vốn sống ít làm sao có thể dùng Kiều mà trải tâm sự. Hiểu thế càng thấy những nghệ sĩ dân gian xưa “yêu” Kiều đến mức nào. Họ sẵn sàng “phủ đầu” những anh đồ kiến thức, kiến văn còn “mỏng”: “Truyện Kiều chàng thuộc luôn pho – hay là chàng biết lần mò đôi câu?”. Họ cũng gửi gắm niềm tâm sự với tình yêu đôi lứa thật tha thiết: “Sen xa hồ sen khô hồ cạn – Liễu xa đào liễu ngã đào nghiêng – Anh xa em như bến xa thuyền – Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên tái hồi”.
Sự vận dụng trong hình thức đố Kiều đa dạng. Nhớ một câu hát đối đáp: “Khen cho con… mắt tinh đời”, là một cách lẩy Kiều khi nhấn nhá chữ “con” để ra vẻ kẻ cả. Đốp lại là câu: “Vả… bây giờ mới thấy đây”, nhấn chữ “Vả” hàm ý răn đe, dọa dẫm. Dù lấy lẩy Kiều để ứng xử tình huống nhưng trong hát đối đáp thế là có ý đố (bởi không biết câu Kiều nào phù hợp thì làm sao mà trả lời).
Có nhiều câu hỏi như loại đàn Thúy Kiều dùng là loại đàn gì? Kiều có mấy lần khóc? Ai là người thực sự cứu cô Thúy Kiều ở sông Tiền Đường? Câu Kiều “Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm” là chỉ những ai?... Những câu đố như thế cùng một lúc đòi hỏi người trả lời phải đọc Kiều, hiểu Kiều và còn phải vận dụng kiến thức văn hóa và lý luận văn học. Dĩ nhiên không phải bao giờ ra câu đố Kiều cũng là để “vò chín khúc”, “chau đôi mày” mà cũng có khi thuần là tìm hiểu thêm, thử đánh đố. Thông qua đố Kiều, một dòng chảy nhân văn đã thấm đẫm vào tâm hồn người Việt. Ngày xưa mẹ dặn “con gái thì chớ kể Vân, kể Kiều” vì sợ duyên phận long đong nhưng cấm có cô nào biết đến hội hè hát xướng mà không thuộc vài câu Kiều. Người nông dân quê mùa chất phác qua những câu đố Kiều mà còn khắc khoải hát nhân ngãi trên đồng lúa xanh. Truyện Kiều đã sống trong lòng dân tộc nhiều năm nhiều đời như thế.
“Trải qua một cuộc bể dâu…” tiếc rằng nhiều đêm lẩy Kiều, dùng Kiều để đố trong những canh hát đối đáp thâu đêm đã có cơ chìm vào dĩ vãng. Ai tri âm đó … có tìm về và làm sống dậy một không khí thưởng thức Kiều độc đáo như vậy không ?
ĐIỆN NAM