Giấc mơ về làng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/12/2014 08:10

Dưới lớp bụi thời gian nhiều thứ đã bị phủ lấp, che mờ. Như làng Việt ở Quảng Nam trải bao cuộc thăng trầm dâu bể, còn lại gì hôm nay?

Một hội thảo về làng đã được mở tại thủ phủ Tam Kỳ khơi dậy giấc mơ bao giờ trở lại ngày xưa. Nơi ấy, làng là không gian gắn với tuổi thơ đẫm đầy cổ tích, những huyền sử truyền thuyết xứ sở. Nơi ấy, lịch sử mở nước về phương Nam ghi dấu tiền nhân, dòng họ, nhà thờ tộc, đình làng, miếu mạo... Nơi ấy, miên man dòng sống thời gian phủ lên cồn bàu, sông suối, hình thành xóm mạc làng xã với trăm nghề mưu sinh. Nơi ấy, cộng cư, giao lưu và hội tụ bản sắc Chăm,Việt cùng thương khách quốc tế, còn lưu dấu trong lễ hội, ẩm thực, phương ngữ, tín ngưỡng, tập tục… Làng đã là thực thể mang nhiều dấu ấn đặc trưng văn hóa của đất và người xứ Quảng.

Như là dòng sữa mẹ...
Như chiếc nôi tre dịu nhẹ lời ru...

Làng đã lớn lên trong ban sơ bình minh châu thổ Thu Bồn, Trường Giang. Nhưng rồi làng đã bao lần thay tên đổi họ, kiến trúc, cảnh quan. Có nỗi niềm khi tên làng bỗng dưng hóa thành những con số 1, 2, 3, 4... vô hồn gắn với tên thôn. Có sự băn khoăn khi thôn nào cũng dựng lên cổng ngõ giăng giống nhau từng câu khẩu hiệu, trong khi làng ở biển vốn khác vùng bán sơn. Có thao thức khi về dạo trên đường làng đã vắng dần những hàng rào xanh thân thiện. Có những mái đình mất đi, thêm nhà sinh hoạt thôn xây mới, bâng khuâng chuyện họp làng trở thành hội nghị. Những giá trị đã mất trong hành trình đô thị hóa, làm cho những đứa con xa làng không tìm được nguyên quán hồn xưa cảnh cũ. Và, giấc mơ đã khuyết trắng một bờ tâm thức. Đúng rồi, sữa mẹ chỉ uống khi mới ra đời, rồi thì nạp thêm bao nhiêu loại sữa bình, sữa hộp; chiếc nôi xưa thay bằng nôi điện, nệm ấm chăn êm. Hiện đại hóa, văn minh quá, dòng người đang trôi đi trong cuộc lao lực kiếm tìm và hưởng thụ vật chất. Trong quy luật vận động của cuộc sống, có những điều mất đi và gia nhập thêm những yếu tố mới là điều khó cưỡng. Ai nuối tiếc, hoài cổ, dễ lạc qua bên đường, đứng lại bên đường.

Làm sao để đừng đứt gãy tâm thức trên con đường từ làng ra phố? Tích hợp những giá trị văn hóa đặc trưng mang bản sắc truyền thống vào đời sống đương đại là cả vấn đề, câu chuyện dài. Người ta phải đánh thức giấc mơ về làng. Trước hết từ tên gọi vốn mang bóng hình của lịch sử, đến những di tích kiến trúc, mỹ tục, hội làng... Người ta phải trở về với ước mơ được sống chan hòa giữa thiên nhiên xanh tươi mà không gian làng được tạo dựng. Nhưng văn hóa làng trong đời sống nông thôn hôm nay đang biến đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc. Nhà nghiên cứu văn hóa, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, những gì vẫn còn giá trị trong bản sắc văn hóa làng, cũng là bản sắc của văn hóa Việt Nam thì cần phải giữ lại. Và “điều quan trọng là phải hiểu cho đúng khái niệm “bản sắc văn hóa dân tộc”. Không phải cứ áo dài khăn đóng mới là dân tộc. Nhưng việc gì mà ta phải từ bỏ lối sống tình nghĩa “thương người như thể thương thân”?... Có cần bỏ chăng là bỏ cái xấu. Trước đây, trong xã hội nông nghiệp với cuộc sống giới hạn trong phạm vi làng xã mấy trăm người, mọi người đều biết rõ nhau thì cái xấu không gây tác hại nhiều lắm. Nhưng nay khi tiếp xúc với văn hóa thế giới, khi có sự “đụng độ” văn hóa thì cái xấu cũ trỗi dậy, cái xấu mới len lỏi tràn vào”.

Làng của xứ Quảng vốn mang yếu tố mở, từ làng ra đi hay trở về cũng đều gắn với câu chuyện của vùng đất mở. Trong xu hướng hội nhập văn hóa, văn minh công nghiệp, làng cần gìn giữ những nét bản sắc tốt đẹp nhưng đồng thời cần tạo không gian để con người cá nhân phát triển, hướng đến một xã hội dân chủ hài hòa. Một giấc mơ: thế giới là ngôi làng bình yên!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM