Bò theo rắn…

NGUYỄN ĐIỆN NAM 30/11/2014 07:27

Mấy ngày qua bà con lao xao vì con rắn lục đuôi đỏ. Báo chí đưa tin loạn thiên, hết Nghệ An, Quảng Ngãi, tới Quảng Nam… có người bị  rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Thậm chí có nhà báo “bò” theo con rắn… rất sát sườn, biết được nó vào tận giường ngủ để “tấn công” người (!?). Trong khi đó, nhiều thông tin từ các nhà khoa học cho biết thông thường rắn không tấn công người trừ khi bị con người dẫm phải. Chưa biết hư thực ra làm sao nhưng quả tình là nhiều người hoang mang, nhất là dân quê, vì nhà ở thường gần bụi bờ cỏ dại rắn dễ trú ẩn. Trên mạng Google, cả triệu lượt truy cập thông tin về rắn lục đuôi đỏ cũng cho thấy mối quan tâm của dư luận.

Con rắn không phải là động vật lạ gì, nếu không nói là “thân quen” với con người. Tôi đã từng qua Campuchia, thăm đền tháp Ăng Co, thấy hình tượng rắn hiện diện khắp nơi. Rắn thần ngỏng đầu chào đón khách du từ muôn phương đến. Rắn bò trên từng hoa văn điêu khắc, từng lan can, tay vịn, thấm mồ hôi da thịt con người cả ngàn năm. Ở vùng Biển Hồ, có món khô rắn đặc sản, khách thường mua về làm quà. Bách khoa toàn thư mở cho hay, có khoảng 3.500 loài rắn phân bố từ vùng phía bắc tới vòng Bắc Cực tại Scandinavia cho tới phía nam tại Australia. Rắn có mặt ở hầu hết châu lục (trừ châu Nam Cực), trong lòng đại dương cho đến núi cao tới 4.900m trong khu vực dãy núi Himalaya. Rắn nhiều như thế nhưng thật may là phần lớn loài rắn không có nọc độc. Rắn vốn nhạy cảm với các rung động trong lòng đất, thường trước khi động đất là rắn bò ra nhiều. Có phải vì đặc tính này mà rắn trở thành biểu tượng gắn liền với đất hay âm phủ, theo thần thoại Hy Lạp?

Về con rắn lục đuôi đỏ, theo một số bác sĩ, nó là loại có nọc độc, không giống một số loài rắn khác ấp trứng mà sau khi trứng được thụ tinh thì ở lại ngay trong bụng rắn mẹ và quây thành bào thai riêng biệt như của loài thú, do đó sinh sản nhanh. Thứ độc mà sinh nở nhanh quả thực đáng sợ. Ngay cả con người, nếu độc quá thì ai sống được với mình, “cây độc không trái, gái độc không con”, ông bà đúc kết vậy.

Chưa ai cho biết rắn lục đuôi đỏ có ăn thịt được không, chứ theo tôi biết thì nhiều loại rắn có nọc độc vẫn  là món khoái khẩu của dân nhậu. Hổ mang, mái gầm, rắn đẻn biển… thảy đều có cách chế biến ra mồi nhậu. Đi qua Đồng Hới (Quảng Bình) thấy cả phố rắn. Vào Tam Kỳ (Quảng Nam), nào Kỳ Lý, An Sơn… đều có quán rắn. Trái tim rắn đập phập phồng cũng nuốt được. Rượu rắn độc còn được truyền khẩu là giúp tăng khả năng “sung sướng tới đỉnh” cho các quý ông(?).

Cần bình tĩnh với con rắn, không nên… loạn xà ngầu. Cảnh báo thông tin hiện tượng rắn cắn là cần nhưng phải xác thực, đúng mức độ, không nên “một đồn mười, mười đồn trăm” sẽ gây hoang mang. Bà con nông dân có kinh nghiệm trị rắn, phòng rắn rất hay, lại biết con rắn lục vốn là “rắn mù” chỉ tỏ ban đêm mà quờ quạng ban ngày. Có thông tin này đáng chú ý, giá nén hột tăng cao đột biến vì nhiều người tìm mua để rải phòng rắn bò vào nhà. Theo đó, người trồng nén phen này trúng mánh.  

Tại sao rắn lục đuôi đỏ, vốn trú ẩn trong rừng sâu lại xuất hiện nhiều ở đồng bằng? Có thể do biến đổi khí hậu, do cháy rừng, do môi trường ô nhiễm, do con người đã phá rừng quá nhiều khiến nó không còn nơi trú ngụ. Đó cũng chỉ là những suy đoán nhưng nghĩ một phần có lý đúng. Vậy nên, cái con rắn trong tiềm thức những kẻ mang nọc độc tiềm ẩn muốn hủy diệt môi sinh cuộc sống mới là điều cần cảnh báo phòng ngừa cho xã hội con người.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM