Tự quản và tự chế

ĐIỆN NAM 07/12/2013 08:55

Nghe cái phương pháp giáo dục mới còn nhiều băn khoăn để suy ngẫm. Ấy là chuyện giao lớp cho học sinh tự quản, người thầy chỉ làm công việc hướng dẫn để trò tự phát huy, tự đi đến kết luận về một vấn đề. Nói loanh quanh, đó là chuyện lấy người học làm trung tâm, phát huy dân chủ ý kiến, kể cả quan điểm, cách nhìn, cách tư duy được bày tỏ thoải mái.

Nhớ lại đâu cách đây đã 25 năm, học trong lớp năng khiếu văn chương của trường trung học, người viết bài này từng được hưởng cái không khí học tập tự quản đó dù không có gọi tên thành phương pháp gì cả. Có những buổi tự thảo luận với nhau về một vấn đề lý luận văn học. Có khi cùng trao đổi, tranh luận về từ ngữ, hoặc bày nhau sáng tác cái gì đấy. Hay nhất là có thầy giáo chỉ nêu một đề văn gợi lên câu chuyện tưởng tượng, tựa như tâm trạng của “Thỏ và Rùa” trong cuộc chạy đua lịch sử; hoặc nghĩ về “thái độ” của hoa sen trong câu ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Vậy là không thể có một đáp án duy nhất mà chỉ có bài văn nào hay, trình bày cảm tưởng và cách nghĩ  hợp lý nhất. Cách học đó quả thực giúp ích cho những cô cậu học trò chúng tôi thuở ấy biết đào sâu từng tác phẩm, hiểu sự đa nghĩa của hình tượng văn chương, nâng cao năng lực cảm thụ và biết cả việc sáng tác nữa. Tuy nhiên, không phải buổi học nào tự quản cũng đều cho kết quả nghiêm túc. Vì cũng có khi mệt mỏi, ham chơi, cả lớp chỉ ngồi tán dóc, hay tự chế ra những trò “độ văn”, “sửa thơ”. Hàng loạt câu ca “rao” được chế ra, kiểu như: “Anh đi, anh nhớ quê nhà/ Nhớ em mảnh đất giá ba tỉ đồng; Ba đồng một mớ trầu cay/ Không bằng tình nghĩa một cây vàng mười; Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Hôm sau: Em đã có bầu, anh ơi!”. Ngồi tự chế ra mấy câu tếu táo đó chẳng đem lại cái kết quả gì hay ho cho sự học ngoài mấy tràng cười. Bây giờ nghĩ lại, tự quản phải có một trình độ nhận thức nhất định, được định hướng tốt, không thì cũng dễ nảy ra chuyện tự chế tùy tiện, tự do vô lối.

Ngẫm từ chuyện riêng đến cái chung của giáo dục hiện nay, quả là qua nhiều lần cải cách giáo trình, hô hào cải tiến phương pháp dạy học, người ta ưu tư cũng phải. Trước phương pháp giáo dục với cách thức cho trò tự quản, khiến nhiều phụ huynh còn băn khoăn cũng có cái lẽ. Vì rằng, chỉ trò giỏi, có ý thức kỷ luật thì tự quản sẽ phát huy được cái hay, nếu không thì rất dễ cho chất lượng “đầu Ngô mình Sở”. Do vậy nghe nhiều địa phương định nhân rộng mô hình này, thiển nghĩ cần cân nhắc và khảo sát học trò cho kỹ, đánh giá cho đúng kết quả mô hình thử nghiệm đã. Kỹ năng tự quản cũng phải được hướng dẫn, rèn giũa, không thì có lớp học sẽ nhạt thếch vì không trò nào tham gia thảo luận, tranh luận, hoặc có lớp thì ngồi chơi bời, nói chuyện tầm phào mà thôi.

ĐIỆN NAM

ĐIỆN NAM