Ở giữa lòng dân

ĐĂNG QUANG 12/10/2013 08:09

1.Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng đúc kết: “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Những chiến công hiển hách, thay đổi bước ngoặt lịch sử, dĩ nhiên có phần công trạng của các vĩ nhân, anh hùng nhưng tất thảy thuộc về nhân dân. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với tâm thế nhìn lại quá khứ mà hẳn còn hữu ích cho suy ngẫm, lựa chọn cách ứng xử trong hiện tại và tương lai. Bởi “quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại biết làm đẹp cho đời”, hòa bình phải khoan thư sức dân, càng cần lòng dân ủng hộ cho kế sách giữ nước, xây dựng đất nước. Ngẫm và thấm thía với câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm xứ Quảng năm 2000, đã căn dặn lãnh đạo Đà Nẵng, “… xây dựng gì thì xây dựng nhưng tất cả phải vì dân. Phục vụ lợi ích cao nhất là nhân dân. Bởi bài học rút ra là có dân thì có tất cả”. Một vị tướng lừng danh thế giới nói câu ấy như một sự đúc kết sức mạnh nhân dân, mà chính ông với học thuyết “chiến tranh nhân dân” đã thấu cảm. Người đã đi xa nhưng lời vọng về suy ngẫm cho cuộc thế hiện nay. Như một nhà văn đã viết, bốn phần giọt nước mắt dành cho nỗi niềm liệu có còn ai “đủ lớn” để hàng triệu người có tiếng khóc chung. Chắc chắn người đủ lớn phải là người chọn và được ở giữa lòng dân.

2. Chuyện xây dựng của Đà Nẵng, Quảng Nam hay rộng ra cả nước nếu không có dân ủng hộ, không được lòng dân thì thế nào? Ai cũng có thể tổng hợp từ đài báo biết việc khiếu kiện đất đai, giải tỏa, bồi thường vẫn “nóng”. Nhưng Đà Nẵng với “cuộc cách mạng” về chỉnh trang đô thị; Quảng Nam với Hội An giữ gìn di sản phố cổ, xây dựng thành phố sinh thái, đã được dân ủng hộ, là vì dân tìm thấy trong đó khát vọng của chính mình. Công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới hay giữ gìn nếp xưa làng cổ, thảy đều phải từ ý nguyện của nhân dân, vì ích lợi của dân mà làm, làm cho dân sống hạnh phúc ấm no thì ai mà không ủng hộ. Chỉ có sự khác đi, “một bầy sâu” đang gặm khoét ích lợi của nhân quần, thì mãi mãi sẽ không tìm được chỗ đứng nào giữa lòng dân cả.

3. Sự sống và cái chết, vòng quay con tạo xoay vần, ai rồi cũng đến. Đời thường, sống thì phải lo cái ăn, cái mặc, nhà cửa, danh vọng… Vĩ nhân, anh hùng sống vì lý tưởng, vì khát vọng lớn cho đại chúng. Chết, vì vậy, cũng “mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Nước mắt dành cho người anh hùng, đức trọng tài cao, ngẫm sẽ không như người thường. Bảy cõi thế giới trong vũ trụ sẽ dành bậc cao, thăng hoa, hiển thánh cho những  người vì đại nghiệp cứu chúng. Biết sẽ chết và về cõi nào, thì tự lòng người chứng thực, tự xây nghiệp cho mình, nghĩa là phải biết sống thế nào. Luật nhân quả nhà Phật hay phạm trù nhân – quả của biện chứng duy vật, hẳn còn có nhiều điểm để suy ngẫm. Chỉ biết rằng, như câu chuyện của vị tướng, lòng dân là điểm tựa cho cây cầu xây nên đại nghiệp của ông, khi sống và cả khi ra đi về cõi vĩnh hằng, cho lòng người nối khắp đất Việt và cả năm châu…

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG