Thảm đỏ

KỲ SINH 11/05/2013 08:37

“Trải thảm đỏ” là cách hình dung về cơ chế ưu đãi đặc thù trong một giai đoạn cụ thể để địa phương thu hút nhà đầu tư. Câu chuyện trải thảm ở Quảng Nam cũng là nhu cầu chính đáng của cả hai phía - địa phương lẫn nhà đầu tư - xét về khía cạnh mở rộng phát triển. Và đích đến của thảm đỏ thường là các khu, cụm công nghiệp (CCN), nơi có sẵn điều kiện hạ tầng kỹ thuật hoặc tạo cơ chế hỗ trợ để đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Nay thì đến lượt các đích đến như CCN lại đang rất cần có “thảm đỏ” do tỷ lệ lấp đầy còn thấp, bình quân chưa đến 46%.

Kết quả rà soát, lập danh mục và biện pháp xử lý các CCN trên địa bàn Quảng Nam được UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hồi đầu tháng 4.2013 cho thấy, có nhiều vấn đề liên quan đến việc hình thành của CCN trước khi quy chế quản lý có hiệu lực (ngày 19.8.2009). Điểm đáng chú ý từ báo cáo này là vấn đề thời gian xử lý, bởi địa phương dự đề xuất thời hạn bắt đầu xử lý các CCN từ năm nay, kéo dài đến tháng 12.2015.

Còn nhớ, đợt kiểm tra tình hình sử dụng đất tại các CCN tại Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn, Đại Lộc do các Sở Tài nguyên - môi trường, Công Thương, Xây dựng thực hiện hồi tháng 2 năm ngoái đã sớm “nhận diện” những khoảng trống. Khoảng trống ấy không chỉ hiểu bởi nghĩa đen của từ “lấp đầy” (một số CCN mới đạt 20 - 30%), mà cả nghĩa bóng về công tác quản lý sử dụng đất, về thủ tục hồ sơ, về sử dụng lao động. Nhận định của đoàn kiểm tra liên ngành khi đó đã chỉ ra rằng, việc giao đất cho các dự án trong CCN thường theo… nhu cầu của nhà đầu tư, và đa số là giao đất thô, cùng với thực trạng hạ tầng dở dang, chưa đảm bảo. Thậm chí, tại các địa bàn trọng điểm công nghiệp của Quảng Nam, phát hiện có trường hợp tự cơi nới đất đai, một số trường hợp khác dù đã đi vào sản xuất nhiều năm nhưng chưa có hồ sơ giao đất, cho thuê đất. Ấy là chưa kể vấn nạn môi trường cứ treo lơ lửng. Lúc đó, đoàn kiểm tra sớm liệt kê các doanh nghiệp tái chế sắt thép, nông lâm sản, thức ăn gia súc gây ô nhiễm môi trường tại CCN Thương Tín 1, Nam Dương... Diễn biến sau đó phức tạp đúng như dự báo, có nhà máy bị người dân dựng rào chắn “phong tỏa” hoạt động vì quá bức xúc.

Nhưng dẫu sao thì tỷ lệ lấp đầy cải thiện dần, thời điểm này đã đạt bình quân 45,35% trên tổng số 108 CCN (hoặc bình quân 51,57% nếu tính riêng 48 CCN tại khu vực đồng bằng). Vấn đề đặt ra là chất lượng hoạt động trên thực tế. Bởi cứ sau mỗi đợt kiểm tra, thế nào UBND tỉnh cũng nhận được đề nghị thu hồi dự án nào đó do sử dụng không hết diện tích, tự lấn chiếm diện tích hoặc… án binh bất động. Tương tự, kỳ họp nào của HĐND tỉnh cũng tiếp nhận, phản hồi các ý kiến liên quan đến quy hoạch, quản lý dự án. Sau kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa VIII vừa rồi, các địa phương cũng tiếp tục phản hồi kiến nghị của cử tri, như đề nghị thu hồi CCN san lấp mặt bằng nhiều năm nhưng vẫn chưa thi công, hoặc hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng... Những luồng ý kiến này đặt ra câu hỏi: Phải chăng những ưu đãi đầu tư mà Quảng Nam “trải thảm” bấy lâu nay đã không phát huy hết tác dụng?

“Thảm đỏ” mà Quảng Nam tiếp tục trải, được khẳng định tại phiên họp tổ chức giữa tuần này, chính là cam kết mới về nguồn vốn (ưu tiên và tăng 2 - 3 lần) nhưng với điều kiện đầu tư có trọng tâm, không dàn trải. Cũng cần nhắc lại, trước đó Quảng Nam ban hành quy chế quản lý và ưu đãi đầu tư CCN, trong đó ngân sách hỗ trợ đến 20 tỷ đồng cho CCN. Cơ chế ưu đãi đó cũng đã tính đến yếu tố “đầu tư có trọng điểm” vì xác định mỗi địa phương chỉ được hỗ trợ 1 CCN, sau khi thu hút đầu tư lấp đầy 80% rồi mới xem xét hỗ trợ cụm tiếp theo.

Trải “thảm đỏ” nhưng có chọn lựa, đó là lựa chọn mới để Quảng Nam tiếp tục trải thảm nếu muốn thổi luồng sinh khí mới vào các CCN.

KỲ SINH

KỲ SINH