30 năm ly hương trên đất quê

TRƯỜNG ĐỒNG 22/08/2022 06:55

Tôi đang nói đến chuyện của hơn 1.000 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong ở thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My.

Đường từ Nam Trà My qua Kon Tum. Ảnh: SONG ANH
Đường từ Nam Trà My qua Kon Tum. Ảnh: SONG ANH

Nguồn cơn câu chuyện xuất phát từ việc vẽ bản đồ 364 (theo Chỉ thị 364, ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) không trùng khớp với đường địa giới truyền thống đã đẩy hơn 6.000ha đất với 238 hộ dân Ca Dong thuộc sự quản lý của xã Trà Vinh, từ Quảng Nam sang xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Từ năm 2008, vụ việc đã được chính quyền các cấp của hai tỉnh nhiều lần tổ chức họp bàn tìm hướng giải quyết nhưng không thành (dưới đây xin nêu 2 cuộc làm việc gần nhất).

Ngày 9.11.2021, tại cuộc họp giải quyết vụ việc, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc đo vẽ bản đồ địa giới hành chính 364 không đúng, vì vậy cần điều chỉnh đúng với thực tế lịch sử.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Kon Tum muốn giải quyết theo hướng chuyển giao số hộ dân thôn 3 về xã Đắk Nên quản lý; hoặc xây khu tái định cư mới ở xã Trà Vinh và di dời người dân ra khỏi nơi ở hiện tại, toàn bộ diện tích đất được cho là chồng lấn thuộc về tỉnh Kon Tum.

Ngày 18.8.2022, tại Kon Tum, lãnh đạo hai tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc làm việc nhằm tìm tiếng nói chung và lần nữa thất bại. Bởi, hai bên vẫn bảo vệ quan điểm của mình: Quảng Nam muốn giữ dân và nhận luôn hơn 3.000ha trong tổng số hơn 6.000ha đất chồng lấn; Kon Tum muốn giữ đất vì khu đất này bằng phẳng, màu mỡ; đồng thời cho biết nếu người dân thôn 3 muốn sáp nhập về tỉnh sẵn sàng đón nhận.

Không thống nhất hướng giải quyết là sự tính thiệt - hơn của chính quyền địa phương; nhưng trước mắt, thiệt thòi đã và đang thuộc về người dân thôn 3. Do chồng lấn địa giới hành chính nên khu vực này thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng, hơn 1.000 người dân ở đây bao năm nay phải sống cảnh “6 không”: Không điện - đường - trường - trạm - sóng viễn thông và không biết mình sẽ thuộc về đâu.

Thiết nghĩ, vấn đề này cần được giải quyết trên cơ sở khảo sát ý nguyện của người dân; không thể chỉ căn cứ thỏa thuận, tính toán trong các phòng họp để quyết định.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện Nam Trà My, người dân địa phương đều kiến nghị cần nhanh chóng xử lý để người dân yên tâm an cư. Thông tin từ chính quyền xã Trà Vinh cho biết, từ khi có bản đồ 364 đến nay, xã đã nhiều lần phát phiếu lấy ý kiến của người dân thôn 3, tất cả không đồng ý về xã Đắk Nên.

Điều này cũng dễ hiểu, vì các loại giấy tờ tùy thân, kể cả huân - huy chương và Bằng Tổ quốc ghi công trong kháng chiến của người dân thôn 3 đều ghi địa chỉ thường trú ở Quảng Nam. Việc di dời càng không được chấp nhận, bởi với họ, vùng đất này là nơi sinh sống bao đời, là nơi chôn cất mồ mả ông bà...

Vụ việc này qua nhiều năm chưa thể giải quyết, vậy đích đến cuối cùng là vì điều gì?

Ranh giới vùng đất chỉ mang tính hành chính. Hơn 1.000 người dân thôn 3 dù “về đâu” vẫn là công dân Việt Nam, sống trên đất Đắk Nên hay Trà Vinh cũng thuộc lãnh thổ Việt Nam. Làm sao để đất này được đầu tư hạ tầng, người dân bước qua cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, mới là đích cần nhắm đến.

TRƯỜNG ĐỒNG