Tầm nhìn từ chính sách

PHAN HOÀNG 19/07/2021 06:05

Nhiều chính sách của HĐND tỉnh nhiệm kỳ trước được đánh giá là tốt; tuy nhiên một số vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới thực tế, đòi hỏi có giải pháp để chính sách đi nhanh vào cuộc sống. Thử nhìn từ các dự thảo đề án liên quan AN CƯ sẽ đưa ra trình tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X diễn ra trong tuần này.

Một là, Đề án sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025. 

Qua 4 năm thực hiện Cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư (theo Nghị quyết số 12 và 31 của HĐND tỉnh khóa IX), nội dung “hỗ trợ đất sản xuất” chỉ có 131 hộ ở Nam Trà My, Hiệp Đức được hỗ trợ đất sản xuất (chiếm 1,94% so với tổng số hộ di dời, sắp xếp dân cư). Và hơn 2 năm thực hiện nội dung “hỗ trợ di dời chỉnh trang nhà ở tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho hộ mới đến”, chỉ có 41 hộ thực hiện, đạt 4,1% chỉ tiêu (chỉ tiêu giao là 1.000 hộ). 

Sau khi đánh giá nguyên nhân, 2 cơ chế này được đề xuất dừng thực hiện trong giai đoạn tới. Những cơ chế đem lại hiệu quả tích cực trong 4 năm qua (2017-2020) sẽ được tiếp tục thực hiện, gồm: hỗ trợ đất ở, di chuyển nhà, san lấp nền nhà, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, làm đường dân sinh.

Dự thảo Đề án sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chất lượng với nhiều cuộc phản biện, tham vấn ý kiến các bên liên quan. Quá trình chuẩn bị, được cho là đã “lắng nghe và thấu hiểu”, nhất là già làng, người có uy tín trong cộng đồng làng ở các huyện vùng cao - những người đại diện cho chủ thể hưởng lợi của đề án. 

Hai là, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, có 2 nội dung không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của HĐND khóa IX, gồm: nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, tính đến thời điểm 1.4.2019, số lượng nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ khu vực đô thị là gần 5.000 nhà (ước khoảng 10.000 người). Thế nhưng, chưa có dự án hoàn thành nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Một con số khác: gần 48.000 công nhân đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Tại 8 KCN trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 1 dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Tam Thăng của Công ty Panko đưa vào sử dụng (dự án đưa vào sử dụng giai đoạn 1 tương ứng 200 căn).

Vì vậy, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 cần nhấn mạnh hơn ở giải pháp phù hợp để loại bỏ việc không - đạt - chỉ - tiêu sau 5 năm nữa. Đối với nhà ở cho công nhân hay chung cư cho người thu nhập thấp, nên bổ sung nhận định về văn hóa, tập quán, thói quen của người ở tỉnh lẻ để đưa ra chỉ tiêu và giải pháp sát hơn.

Điều chỉnh chính sách cho phù hợp, kịp với thực tế đời sống cần có cái nhìn tổng thể dựa trên tham vấn từ nhiều nguồn, làm sao vừa kịp thời vừa chính xác khoa học, rõ ràng không dễ. Chữ dùng về “độ trễ của chính sách”, tất nhiên, chỉ chấp nhận trong chừng mực có thể, chứ không thể dùng để biện minh cho tầm nhìn ngắn của quản trị quốc gia nói chung, quản trị địa phương nói riêng.

Luôn có cách - dù chưa biết tốt nhất hay chưa, để lo cho dân là cách nghĩ của lãnh đạo tỉnh trong những ngày căng sức chống dịch Covid và chia khó với Sài Gòn (dẫu sẽ có lúc vì lúng túng mà chưa được ở việc ban hành văn bản liên quan). Và cách nghĩ này, hy vọng cũng luôn hiện hữu trong xem xét ban hành chính sách, để lo cho dân. Như cách dễ hiểu nhất mà người dân các địa phương đang nói với nhau những ngày này: lửa thử vàng, còn Covid thử tâm và tầm của cán bộ lãnh đạo.

PHAN HOÀNG