Kịch bản không mong đợi
Sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển… đã có những biểu hiện rõ ràng, tác động ngày càng mạnh hơn trên quy mô toàn cầu
Biến đổi khí hậu làm cho nắng mưa trở nên bất thường, hạn hán, bão lũ xuất hiện với cường độ dữ dội hơn mà kinh nghiệm dân gian và cả khảo nghiệm khoa học cũng không dễ theo kịp. Chẳng hạn đã xóa tan câu chuyện Nam Bộ không có bão và hiện tại trên Biển Đông đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão dự báo đi vào khu vực các tỉnh cực Nam.
Tác động của biến đổi khí hậu có biểu hiện tập trung với El Nino và La Nina ảnh hưởng mạnh đến nước ta trong vài thập kỷ gần đây, gây ra nhiều đợt nắng nóng, đến bão lũ liên miên, rồi rét đậm rét hại kéo dài. Kịch bản xấu với dự đoán vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 3 độ C và sẽ tăng số đợt và số ngày nắng nóng trong năm; mực nước biển sẽ dâng cao lên 1m. Điều này dẫn đến tình hình bão lũ và hạn hán sẽ phức tạp và khó lường hơn.
Nước biển dâng dẫn đến sự xâm thực của nước mặn vào vùng đất liền trong nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt, và tác động nhiều mặt tiêu cực cho đời sống dân sinh, sản xuất, du lịch... Với kịch bản nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số của nước ta. Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có đối sách ứng phó, phần lớn diện tích của đồng bằng này sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính hàng chục tỷ USD. Nước biển dâng, trong khi nhiều dòng sông bị chặn nguồn, mất khả năng bù cát cho hạ lưu, cũng gây sạt lở bờ biển ở nhiều vùng duyên hải miền Trung trong đó có Quảng Nam (Cửa Đại sạt lở mấy năm qua là một ví dụ).
Nguyên nhân của biến đổi khí hậu từ nhiều phía. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, nghiên cứu về môi trường thì 90% là do con người gây ra. Trước hết là tình trạng phá vỡ sinh thái, phá hoại môi trường, gia tăng sản xuất bằng nguyên liệu gây hiệu ứng nhà kính, khai thác quá mức tài nguyên đất đai, rừng biển, tận diệt nguồn lợi thiên nhiên… Con người tác động quá mức đến tự nhiên sẽ bị tự nhiên trả lại những thiệt hại gấp nhiều lần về kinh tế - xã hội. Sẽ bùng nổ những bất ổn dân sinh trầm trọng nếu đất đai ngày một khô cằn, hoang hóa, trong khi những bệnh lạ xuất hiện lây lan.
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, nhiệt độ toàn cầu tuy mới chỉ hơi nhích lên một chút nhưng cũng đủ để ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng trăm triệu người. Thông thường sau La Nina là sẽ đến đợt khô hạn, vậy nên ngay từ bây giờ vừa lo khắc phục hậu quả bão lũ vừa phải tính đến phương án phòng chống hạn trong năm 2021.
Với những kịch bản không mong đợi từ biến đổi khí hậu đem lại, khiến sinh kế bền vững trở thành câu chuyện của cả cộng đồng nhân loại, của chiến lược hành động quốc gia. Câu hỏi về ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào cho hiệu quả thật không dễ trả lời. Nhưng khó đến đâu cũng phải đối mặt và giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xem là một trong những vấn đề ưu tiên trong nghiên cứu các định hướng, giải pháp phát triển.
“Sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa” là điều kiện khắc nghiệt mà cả dải đất Việt phải gánh gồng, muốn tồn tại và phát triển bền vững phải rèn luyện kỹ năng sống, bản lĩnh sống.