Bão lũ nối đuôi, đừng chờ hên xui!
Miền Trung vào mùa bão lũ với những cú rượt đuổi dữ dội của thiên tai. Bão số 5 vừa qua chưa khắc phục xong thiệt hại thì lại chồng lên bão số 6 (Linfa). Mưa lớn dài ngày, ngập trên diện rộng lại chồng thêm cơn lũ xuống.
Như kiểu nói của mấy ông già xứ Quảng giàu kinh nghiệm và tri thức dân gian là “họa vô đơn chí”, tức cái họa khó lường nối đuôi nhau ập đến, nhất là ở điểm bắt đầu một chu kỳ lục giáp 60 năm. Mà thiệt, 9 tháng của năm Canh Tý đi qua, hết 4 tháng như chuột chết dí xó nhà vì dịch, thì nay bão lũ ập đến ướt như chuột lột. Cảnh báo của các chuyên gia khí tượng còn ghê nữa là trong tháng 10 này sẽ kéo thêm nhiều đợt bão quần, mưa to, lũ lớn. Lo đuối, nên chuyện nghèo đói hẳn sẽ ngấp nghé dưới hiên nhà đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương...
Nói vậy không phải để bi quan mà phải thêm cảnh giác để dự phòng. Người xứ Quảng và cả miền Trung đều đã quen phải sống đối mặt với thiên tai. Ngửa mặt nhìn ra Biển Đông, không thể nào không hứng mỗi năm chừng 10 cơn bão. Lại ở dựa lưng vào thế đất dốc, sông ngắn, chỉ mưa ít ngày là nước về tràn đồng, lũ ngập. Cho nên “cẩn tắc vô áy náy” là việc phải lo trước mùa mưa bão và đều phải triển khai công tác phòng bị chu đáo, như gia cố nhà cửa, công trình, tích trữ lương thảo, nhu yếu phẩm... Các vùng xung yếu, nhất là ở nơi núi lở, sông xói, biển cào, đều phải di dời dân đến nơi tránh trú an toàn. Có lẽ mọi phương án đều đã triển khai như thế, theo phương châm “4 tại chỗ” và ứng phó với bản đồ các khu vực rủi ro, sơ đồ theo dõi tình huống diễn biến của thiên tai. Vấn đề còn lại là công tác dự báo cần kịp thời, sát đúng và ứng phó linh hoạt theo kịch bản đã xây dựng, bổ sung, nhất là triển khai nhanh các lực lượng giúp dân, hỗ trợ di dời, cứu nạn.
Nhân bàn chuyện về lực lượng cứu hộ cứu nạn, chỉ trong tình huống thiên tai mới thấy rõ vai trò của chính quyền, các đoàn thể, thanh niên xung kích ở cơ sở, của lực lượng vũ trang cơ động... Làm sao bất cứ tình huống nào cũng cố gắng hành động ngay để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người và tài sản của dân, thì dân cảm ơn, sẽ tin yêu chứ không cần lệnh miệng, nói “qua loa” gì nhiều.
Có điều không may là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII - một sự kiện trọng đại để hoạch định chiến lược phát triển của cả chặng đường sắp tới, nhưng diễn ra trong bối cảnh bão lụt, mưa gió bời bời, nên hẳn cần làm gọn chương trình nghị sự các nội dung cần thiết mà thôi. Bởi ngay sau đại hội, các cán bộ lãnh đạo cần phải cấp tốc về địa phương để triển khai công việc trực tiếp lo cho đời sống nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời triển khai phòng chống đợt mưa lũ lớn dự báo sẽ tiếp diễn. Và theo kinh nghiệm quan sát mà cha ông truyền lại, thường tính hết mùa lũ lụt ít nhất cũng phải đợi qua cái ngày như câu ca “ông tha mà bà chẳng tha, cũng còn cái lụt hăm ba tháng Mười” (năm nay tương ứng ngày 7.12.2020).
Thiên tai là chuyện chẳng ai mong có, chẳng ai dự lường được hết hậu quả trước khi nó diễn ra. Nhưng không vì thế mà chịu thúc thủ, chỉ ngồi đó cầu trời, chờ đợi sự hên xui may rủi. Công tác phòng bị, ứng phó thiên tai đã và sẽ phải là chuyện thường trực, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan đã hiện hữu. Hẳn nhiên cũng cần suy nghĩ theo một hướng tích cực là trừ những cơn bão, lũ quét không ai mong, nhưng có ít cơn lụt vừa tràn đồng cũng là điều mà nhà nông trông đợi để có thêm phù sa cho mùa màng năm tới tốt tươi.
Mong trời thương người!