Cái mũi trong… đô thị
“Diện mạo nông thôn đã khởi sắc”, “bộ mặt đô thị đã khang trang”… đại để là những câu nghe rất quen để nhận xét về sự phát triển của một vùng đất, một thành phố, thị trấn nào đó. Nhưng đấy cũng là… cái mặt, ngắm kỹ hơn cũng chỉ thấy vài con đường, cây cầu, nhà cao tầng, siêu thị, xe cộ đi lại nhộn nhịp đông đúc. Thứ ít nhìn thấy là không khí để thở. Lẽ ra cần quan tâm nhất là cái mũi thì ít chú ý, nên đô thị ở mình còn nhiều khuyết tật.
Lấy ngay ví dụ là hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, những cảnh báo liên miên về ô nhiễm không khí mà vẫn chưa thấy có giải pháp nào hữu hiệu. Hà Nội đang rơi vào bầu không khí đặc quánh ô nhiễm, với chỉ số đo AQI, chuyển sang màu tím rồi đến màu nâu, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Còn TP.Hồ Chí Minh, trước đây có lúc quan trắc không khí cho thấy đầy bụi mịn kích thước nhỏ như PM10, PM2,5 (các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 và 10 micron) tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức. Với sự ô nhiễm đó, ngành y tế và môi trường cũng chỉ biết đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, đồng thời dùng khẩu trang che chắn, hoặc chú ý giữ vệ sinh cá nhân.
Với mức độ ô nhiễm không khí cao, số ca mắc ung thư phổi chắc chắn sẽ tăng theo. Tổ chức Y tế thế giới - WHO ước tính ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hiệp quốc cũng cho thấy mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Và Việt Nam là một trong những quốc gia đứng trong nhóm “cảnh báo đỏ”, những đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh cũng thuộc tốp ô nhiễm không khí hàng đầu.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí? Do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là khí thải, từ nhiệt điện than, từ các nhà máy công nghiệp, và dễ thấy nhất là khí thải từ giao thông. Việt Nam hiện nay có tỷ lệ 460 chiếc xe máy và 23 ô tô trên 1.000 dân. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại các đô thị ở nước ta khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí (chủ yếu là các loại khí như các bon, ni tơ, khí có chứa lưu huỳnh…). Hàng ngày ra đường ùn ùn xe cộ, cái mũi hít liên tục các loại khí thải độc hại đó sẽ phải mau tìm tới… bệnh viện.
Trong bầu không khí độc hại, nếu có hạ tầng đô thị tốt, nhiều cây xanh, thì còn có khoảng hở để thở. Tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông ở ta cũng rất chật hẹp, như tại Hà Nội, tỷ lệ này chỉ chiếm 9% (tiêu chuẩn thông thường của các đô thị trên thế giới tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 22 - 24%). Không chỉ có tỷ lệ đất giao thông thấp mà mật độ dân số tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng rất cao, nên ra đường gặp ách tắc giao thông như cơm bữa, hít bụi đường nghẹt thở.
Giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí ở các đô thị cần tổng thể và đồng bộ, từ quản lý quy hoạch xây dựng, hạ tầng, giao thông, kiểm soát các nguồn xả thải… Nhiều nơi hô hào xây dựng đô thị thông minh mà chỉ chăm chăm phân lô bán nền, nhô ra mặt tiền “xây cho nhà cao cao mãi”, lại coi nhẹ môi trường để hít thở, thì trước sau gì cũng chết vì ô nhiễm không khí.
Kết chuyện này, một người bạn từ Hà Nội vào Tam Kỳ công tác, cảm thấy khoan khoái khi được hít thở chút không khí trong lành, ít xe cộ bon chen, anh nói rằng có khi giữ sự tĩnh lặng thông thoáng vậy phần nào lại tốt hơn cho cái mũi!