Thầy thuốc ở làng
Mỗi năm vào dịp 27.2 tôi lại nhớ về cha, một thầy thuốc ở làng.
Cách đây hơn 35 năm, ở mỗi làng xứ Quảng chỉ có vài người làm nghề y là nhiều. Tây y thì chỉ tầm y tá, y sĩ mà rất hiếm. Còn đông y là nghề gia truyền. Từ thanh niên đã được ông nội truyền nghề nhưng cha tôi qua tuổi 45 mới chính thức làm thầy thuốc chữa bệnh. Bởi ông luôn tâm niệm làm thầy thuốc là cái nghiệp chứ không phải cái nghề mưu sinh.
Xác định làm thầy thuốc là nghiệp phải cứu người, nên dù gia cảnh bần hàn cũng không vì thế mà ngại khó, ngại khổ khi người bệnh kêu cầu. Ai gọi chữa bệnh là đi ngay. Sau này trưởng thành hơn tôi mới hiểu cha mình thực nghiệp theo lời khuyên răn của danh y Hải Thượng Lãn Ông, rằng: “Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau”. Làm thầy thuốc vì thế rất nhọc tâm và cực xác, chỉ có niềm vui khi chữa khỏi bệnh cho ai đó mà thôi. Cũng do vậy nghề thầy thuốc không có động cơ làm giàu được. Chẳng lẽ muốn người ta đau ốm nhiều để mình chữa bệnh lấy tiền làm giàu hay sao? Với cha tôi, gần như cả làng đều cậy nhờ khi có bệnh. Những bệnh thông thường như cảm cúm, ho sốt, đau mắt hột, đau bụng, sài đẹn, trúng gió... ba tôi đều có thể chữa khỏi mà không cần tiền thù lao, vì chủ yếu dùng cây thuốc nam, châm cứu, chích lể... Chỉ khi chữa những bệnh rất nặng nằm dài ngày phải đi cắt thuốc bắc ở tiệm ông mới lấy lại tiền thuốc mà thôi.
Thầy thuốc ở làng có nhiều cái khó xử. Đầu tiên là thầy thuốc và con bệnh đều quen biết rất rõ, là hàng xóm hoặc người trong thân tộc. Chữa bệnh chỗ thân quen bị áp lực tâm lý nặng hơn chữa cho người lạ đến (với câu nói phòng trước là có bệnh vái tứ phương “may thầy phước chủ” thì lành). Cũng như bóng đá trên sân nhà luôn bị áp lực phải thắng, thì chữa bệnh cho hàng xóm phải cố cho lành mà phải ít tốn kém (thời bao cấp làng tôi rất nghèo). Nói dại nếu xui rủi bốc thuốc nhầm thì người bệnh hàng xóm lâm nguy ân hận cả đời khó sống cạnh nhau nữa. Ấy là chưa kể người nhà con bệnh đâu biết bệnh nặng nhẹ thế nào, nếu chữa không khỏi thì tiếng chì tiếng bấc thầy cũng phải lãnh trước hết. May thay, trong mấy mươi năm làm thuốc, cha tôi không phải rơi vào hoàn cảnh trớ trêu đó, chỉ đôi lần có người trúng gió mà chạy tới không kịp nên không chữa được thôi.
Thầy thuốc ở làng phải là cái “tủ thuốc” của dân làng. Cho nên dù kinh tế khó khăn cũng phải cố sắm cho đủ những thứ thuốc cần dùng thường xuyên để ở nhà. Bà con trong làng đổ bệnh là có thuốc dùng ngay chứ không phải chờ đi bốc ở tiệm rất lâu. (Mấy chục năm trước ở những phố lớn mới có tiệm thuốc bắc bề thế, có thứ thuốc phải xuống Hội An hay ra Đà Nẵng tìm mới bốc được). Với cha tôi, ngoài việc phải trữ các thứ thuốc bắc hay dùng, ông còn tự tìm cây lá thuốc nam để sao chế phòng chữa các bệnh thông thường. Do vậy, chỉ ăn trái quýt cũng để lại vỏ phơi khô (thành trần bì), củ gừng, củ nghệ, củ sả, cỏ cú, rễ cỏ tranh, hạt đậu xanh… nói chung là cây thuốc chung quanh vườn, quanh làng đều phải tìm hiểu kỹ, tìm cách thu gom chế biến thành thuốc chữa bệnh.
Giờ đây, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, tiện nghi hơn, thuốc thang đủ loại tràn về khắp các làng xã nhưng thiển nghĩ những vùng sâu vùng xa vẫn cần vai trò thầy thuốc ở làng. Thật tốt nếu có thầy thuốc đông y ở làng hướng dẫn bà con tạo ra “tủ thuốc” từ vườn cây thuốc tại làng, tại nhà để chữa bệnh thông thường mà không phải tốn tiền.
NGUYỄN ĐIỆN NAM