Bớt lễ lạt đi!

ĐĂNG QUANG 08/10/2018 02:31

Không cần dẫn giải mà ai cũng thấy lễ lạt ngày càng nhiều hơn. Liệu có phải phú quý sinh lễ nghĩa? Hay do thói quen tập tục của người đời lấy ngày sinh làm kỷ niệm, chết thì tưởng niệm? Hoặc là vẽ vời tiệc tùng, nhất là ở cơ quan đơn vị, muốn hú hí chung vui và bày ra lễ lạt? Tóm lại, có vô số lý do dẫn đến việc tổ chức lễ lạt.

Chuyện lễ lạt của cá nhân thì tùy nghi, nhưng với cơ quan nhà nước, lễ lạt quá nhiều chắc chắn là ảnh hưởng công vụ. Chưa kể không ai bỏ tiền túi riêng ra làm việc công, nên phải lạm vào công quỹ mà tổ chức. Không những tốn tiền bạc mà còn tốn thời gian, vậy thì ngân sách trả lương để cán bộ suốt ngày đi dự lễ lạt hay sao? Tình trạng đã đến mức phải cảnh báo, thực tế cũng đã nhiều lần yêu cầu, chỉ thị, nhưng có vẻ lơi ra là lễ lạt bùng phát. Vậy nên, Chính phủ lần này ban hành hẳn một nghị định (số 111-NĐ/CP, có hiệu lực từ ngày 15.10.2018 tới đây) để “siết chặt các hoạt động tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, tránh phô trương, lãng phí”.

Theo Nghị định 111 thì các bộ, ngành, địa phương, đơn vị “chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0)”. Vào các năm khác thì “chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm…”. Và, chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, nghị định cũng nêu rõ là “không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”.

Xem ra, nếu thực hiện nghiêm Nghị định 111, chắc chắn việc lãng phí công quỹ để tổ chức lễ lạt sẽ được hạn chế. Vấn đề đặt ra là ai sẽ giám sát, kiểm tra khi có tình trạng vi phạm? Sở dĩ phải hỏi lại vậy vì ở ta có chuyện “ăn quen nhịn không quen”, không dễ thay đổi thói quen ngay nên sẽ có chỗ tìm cách “lách luật” để lần khân tổ chức lễ lạt. Do đó phải có “tai mắt” giám sát và phản ánh cho cơ quan có trách nhiệm xử lý thì mới yên được.

Điều cần nói thêm trong thực tế có việc lạm dụng cái gọi là “xã hội hóa” kinh phí tổ chức các ngày kỷ niệm truyền thống của các ngành, địa phương, đơn vị. Có ý kiến cho rằng nếu “xã hội hóa” bằng cách kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ không tốn công quỹ, không dùng ngân sách – tức tiền thuế của dân (?). Xin thưa lại, cách nghĩ đó e cũng là xảo biện. Bởi tiền nào cuối cùng vẫn là tiền của dân, không thiếu doanh nghiệp đã phải “la làng” vì quá nhiều cơ quan nhà nước cứ xin hỗ trợ, ủng hộ mỗi khi tổ chức lễ lạt.

“Một năm đến lắm là ngày/mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng”, xin mượn câu thơ Nguyễn Bính để nói tâm trạng ngồi đếm ngày mà thấy mùa nối mùa trôi nhanh lắm. Mới ăn Tết Nguyên đán xong, là tới ngày giải phóng quê hương, giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ 30.4 &1.5, Tết Trung thu, nghỉ 2.9, lại Tết Dương lịch…; rồi còn có nhiều ngày truyền thống của các giới, tầng lớp, lứa tuổi. Chỉ ngồi đếm ngày  chừng tới đó đã vùn vụt thời gian trôi huống hồ còn bao nhiêu lễ lạt, tiệc tùng khác nữa. Quanh năm suốt tháng mà chỉ lo lễ lạt làm sao cho xuể? Rồi cũng uể oải cả người khó làm việc gì cho tới nơi tới chốn? Nên bớt lễ lạt đi!

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG