Chân mòn gối mỏi
Một thông tin mới rộ trên báo chí gây chú ý dư luận là nhiều cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam gửi đơn xin nghỉ việc. Chuyện gì vậy? Có phải vì gối mỏi chân mòn trong công cuộc giữ rừng? Hay sợ trách nhiệm, lo lắng bị kỷ luật như nhiều kiểm lâm viên để xảy ra phá rừng trên địa bàn phụ trách? Có ai lấy thước mà đo lòng người được đâu nên tâm trạng của những người xin nghỉ việc thật khó đoán hết những uẩn khúc. Chỉ biết rằng hơn 10 người gửi đơn tới lãnh đạo đơn vị kiểm lâm nêu lý do vì sức khỏe, áp lực về trách nhiệm giữ rừng nên xin nghỉ hưu trước tuổi là có thể hiểu được.
Sau các vụ phá rừng nghiêm trọng và nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, cách chức với lý do không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng, dù thế nào cũng gây hiệu ứng tâm lý phức tạp. Nhưng theo ngành chức năng thì việc xin nghỉ trước tuổi không phải đột ngột, không phải là sự bất thường bởi trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2021 có tới 46 cán bộ kiểm lâm đăng ký nghỉ.
Công việc nào cũng có áp lực. Giữ rừng càng là công việc có áp lực nặng nề. Bởi, trong bối cảnh Quảng Nam là tỉnh còn có diện tích rừng lớn, trong khi nhiều tỉnh Tây Nguyên đã bị “trọc hóa” rừng thì việc lâm tặc đổ về đây chắc chắn gây thêm tình hình bất ổn. Lực lượng kiểm lâm thì mỏng, hiện 170 xã có rừng nhưng mới chỉ có 70 cán bộ chuyên trách, còn lại một số thì kiêm nhiệm. Cụ thể hơn, với gần nửa triệu héc ta rừng, bình quân một kiểm lâm địa bàn dù cố gắng chịu đựng gian khổ, chân mòn gối mỏi cũng khó đi hết địa bàn quản lý khoảng một vạn héc ta rừng trong mỗi chuyến tuần tra. Thiếu người, lại thiếu phương tiện công cụ quản lý hữu hiệu sẽ là rất khó cho công cuộc giữ rừng bền vững.
Phương án đáng quan tâm là tổ chức lại lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Đội ngũ kiểm lâm cần làm trước hết và ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã đề xuất phương án tổ chức lại các hạt kiểm lâm trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức 1 hạt kiểm lâm, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Cần bố trí đủ ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn, với những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn có thể bố trí tăng thêm. Cũng theo phương án đổi mới sắp xếp, tách các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý theo lưu vực, liên huyện hiện nay thành các ban quản lý theo từng huyện, trực thuộc UBND huyện…
Dù xây dựng phương án thế nào nhưng nếu chỉ dựa vào lực lượng kiểm lâm, hay các ban quản lý rừng thì việc giữ rừng vẫn tiếp tục nan giải. Bởi ai có thể bám trụ dài lâu với rừng khi gánh nặng tuổi tác, sức khỏe, địa bàn quản lý đều là thử thách thường xuyên liên tục, và đến lúc chân không còn bước nổi khi “đeo đá” trách nhiệm càng ngày càng lớn. Như vậy, dù không phủ nhận cố gắng của những người giữ rừng, của những cán bộ kiểm lâm chân chính, nhưng cuộc chiến giữ rừng vẫn gian nan. Có trường hợp cán bộ kiểm lâm “lực bất tòng tâm” hoặc thậm chí tiếp tay cho lâm tặc, nhưng có lẽ quan trọng hơn là phương kế giữ rừng chưa hữu hiệu bởi người dân ở không ít nơi coi đó là chuyện của Nhà nước.
Chuyện giữ rừng, nếu không có người dân, không có cộng đồng làng bản nơi có rừng tham gia hẳn sẽ khó vô vàn. Làm thế nào để người dân ở nơi có rừng tham gia hiệu quả? Chúng ta đã có chính sách giao khoán bảo vệ rừng để phát huy vai trò của người dân bản địa nhưng còn có những lỗ hổng hậu giám sát và cách chi trả còn hạn chế, có nơi chưa phù hợp, có lúc chưa kịp thời. Hơn nữa, làm thế nào để sinh kế từ rừng được khai thông thì người dân mới tham gia bảo vệ rừng như… giữ cái dạ dày của họ.
Để giảm tải chuyện chân mòn gối mỏi của con người còn cần thêm điều kiện khác về phương tiện quản lý, bảo vệ rừng. Đã nghe nói nhiều về ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát hiện trạng rừng, định vị và cảnh báo thông tin về xâm hại rừng, nhưng bao giờ mới thực thi được? Phải có “con mắt canh cõi” bằng công nghệ chứ nếu chỉ dựa vào đôi chân người thì làm sao bươn tới kịp những đỉnh cao vực sâu trên các dải rừng đầu nguồn để ngăn chặn tình trạng phá rừng.
ĐĂNG QUANG