Chữa bệnh các "cụ già"
Người già thường đổ bệnh. Di tích già tuổi thường xuống cấp. Mỗi khi trái gió trở trời, nghe tin bão lụt càng lo chuyện các “cụ già” - di tích cổ, đổ thêm bệnh.
Như ở Đô thị cổ Hội An, nơi có khoảng 1.400 di tích luôn phải gồng mình chống đỡ mỗi khi mưa lụt. Có mùa lụt trước đây, 9 căn nhà cổ hư hỏng nặng buộc phải di dời khẩn cấp. Còn hiện tại, khu phố cổ có 44 di tích xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 23 di tích xuống cấp nặng, 7 di tích xuống cấp rất nghiêm trọng cần phải hạ giải. Với hơn 1.100 nhà cổ, hầu hết đều đòi hỏi phải chú tâm từng ngày vì tuổi di tích đã cao, tình trạng mục nát tiếp diễn, mái ngói rêu phong oằn mình dưới những cơn mưa gây dột, cột kèo lở lói...
Còn ở khu di tích Mỹ Sơn, những đền tháp còn sót lại vẫn hàng ngày đối diện với nguy cơ hư hại cao hoặc có thể sụp đổ. Nói nguy cơ là còn nhẹ, vì bởi đã từng xảy ra chuyện sụp đổ, như năm 1996, sau trận lũ đầu mùa sập một nửa tiền sảnh tháp G1, năm 1997 sập ba phần tư tường nam tháp E6, năm 1998 sập vòm trước tháp E7, năm 2003 một mảng gạch tháp E7 bị rơi xuống do ngấm nước lâu ngày... Chống chọi hàng nghìn năm với bao thiên tai địch họa, chỉ một phần ba số kiến trúc đền tháp còn tồn sót thì càng ngày càng “thấp hơn và nhỏ lại” vì sự bào mòn.
Chữa bệnh cho người già thường khó, vì khó dò tâm ý, mạch yếu khó bắt để suy đoán đúng bệnh, lại đòi hỏi thuốc đặc trị riêng, liều dùng thích hợp. Như các “cụ” di tích đền tháp cổ, vẫn chưa ai xác quyết được phương pháp trùng tu nào là tối ưu. Cách của cố kiến trúc sư Kazic là bảo tồn nguyên trạng, trong trùng tu ưu tiên giữ gìn các yếu tố gốc của di tích như những bằng chứng lịch sử đích thực, đặt trọng tâm vào việc sử dụng các giải pháp gia cố và tái định vị là chính. Rồi các chuyên gia Ý, Ấn Độ... tiếp tục tham gia trùng tu các đền tháp ở Mỹ Sơn mà các phương pháp họ áp dụng cũng đa dạng, lại có lúc làm chậm, khi thì nhanh (như chuyện đang tranh luận tại sao các chuyên gia Ý thì làm cả mấy năm trời, trong khi Ấn Độ làm mấy tháng). Và, dù theo trường phái trùng tu nào thì các chuyên gia đều phải công nhận đền tháp ở Mỹ Sơn chứa những giá trị kỹ thuật mà công nghệ thời chúng ta chưa giải quyết được. Ví như làm thế nào mà tiền nhân đã làm ra được viên gạch cổ nhẹ hơn gạch hiện tại cùng kích thước 1,3 lần. Gạch được nung non hơn nhưng tính chất về sức bền vật liệu lại cao hơn và khi xây tường tháp thì khiến người ta tưởng là liền mạch nhưng lại có chất kết dính đặc biệt trong mạch hồ. Chính vì thế bây giờ tháp già đổ bệnh vẫn chưa có phương pháp chữa chuẩn mực, tối ưu, cho nên nhìn nhiều công trình kiến trúc cổ đang mục ruỗng mà xót xa.
Thêm một điều nan giải cho việc trùng tu di tích là tìm vật liệu thay thế những thứ hư hỏng. Các “cụ già” trước chỉ dùng những thứ mà bây giờ rất quý hiếm. Như đất sét làm gạch tương ứng như người Chăm xưa dùng để xây tháp, đất sét làm ngói âm dương và gỗ kiền kiền làm cột kèo cho nhà cổ... Và với những thứ đã mục nát thì có nên làm mới với vật liệu mới? Câu hỏi này luôn là điều trăn trở. Như câu chuyện trùng tu Chùa Cầu (Hội An) vậy, trải mấy trăm năm tồn tại, di tích này đã được tu bổ lớn 7 đợt (vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996) từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn… của di tích, nhưng “cụ” vẫn xuống cấp nặng nề. Bây giờ thì tính hạ giải toàn bộ để trùng tu mà có người vẫn lo là sẽ làm mới “cụ”, rằng “cụ” đã già 400 năm tuổi mà hóa mái tóc xanh! Nói như ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, đã là di tích thì không thể cứ “trai tráng” mãi nhưng nếu trùng tu không cẩn trọng thì trẻ hóa di tích mất.
Khó bao nhiêu thì vẫn không thể khoanh tay đứng nhìn, vẫn phải chữa bệnh xuống cấp của di tích cổ bằng cách chống đỡ tạm thời và tính kế trùng tu căn bản, kéo dài tuổi thọ cho các “cụ”. Trong mùa mưa bão, lũ lụt, càng phải chú ý chăm sóc các “cụ” thường xuyên hơn, kỹ càng hơn.
ĐĂNG QUANG