Con đường mới
Nông nghiệp đang cần con đường mới (hay gọi là tái cơ cấu, đổi mới sản xuất gì gì đó). Ai cũng biết thế nhưng con đường mới như thế nào, lối ra ở đâu, đi về đâu... vẫn là chuyện đầy trăn trở.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản với sản lượng đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản cả nước đạt hơn 32 tỷ USD. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản là khoảng 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Làm thế nào tìm đường xuất khẩu thông thoáng (tức giải quyết đầu ra) cho nông sản, mà phải xuất khẩu với sản phẩm chế biến sâu mới có giá trị gia tăng cao? Đó là chuyện cần bàn đầu tiên.
Xuất khẩu phụ thuộc lớn vào thị trường. Nếu thị trường càng hẹp, rủi ro càng lớn. Bằng chứng là cuộc “khủng hoảng thịt heo” đã và đang diễn ra. Lâu nay ta hầu như phụ thuộc thị trường Trung Quốc, họ mua mạnh thì ta nuôi nhiều, họ ngưng mua thì ta lúng túng, càng quẩn hơn khi đầu ra bị tắc. Cả nước có đàn heo khoảng 29 triệu con, gần như nhà nhà nuôi heo mà không bán được, hay bán rẻ, lại không có chế biến sâu với nhiều sản phẩm đa dạng, thì khủng hoảng thừa là cầm chắc. Cuộc khủng hoảng dư thừa thịt heo đã manh nha từ năm ngoái với nhiều cảnh báo nhưng ta cứ nuôi, nên bây giờ phải “giải cứu”. Lạ, làm ăn kinh tế mà cứ hô “giải cứu” mãi, hết dưa đến hành, rồi tới heo, chứng tỏ một sự bị động về thị trường, thiếu quy hoạch, kế hoạch, tầm nhìn dài hạn. Không thể “nóng đâu phủi đó” hoặc phải kêu gọi dân chúng mãi “mở lòng bác ái” mà chia sẻ với người sản xuất. Cũng như cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nếu không đi vào thực chất, không tác động cả chuỗi từ sản xuất tới tiêu dùng, vẫn là chuyện “ăn xổi ở thì” mà thôi.
Do vậy, cần tính đường làm ăn lâu dài, bền vững hơn. Với ngành chăn nuôi cần tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào, giá cả một cách hợp lý thì mới đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp khác. Đặc biệt, khuyến cáo đáng chú ý là cần sản xuất theo chuỗi, trong đó đẩy mạnh liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp. Kinh tế hộ cần phải được tổ chức lại, nông dân liên kết thành nghiệp đoàn, hợp tác xã... và có vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối, tổ chức sản xuất theo chuỗi. Chỉ có doanh nghiệp thu mua, chế biến, sản xuất để xuất khẩu mới biết thị trường cần gì. Doanh nghiệp đó cùng với những người nông dân đã được tổ chức lại thì sản phẩm nông nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu khác của thị trường. Và chỉ có doanh nghiệp mới đủ khả năng xây dựng thương hiệu lớn mạnh. (Hiện còn hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, không ít sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới thông qua thương hiệu của nước khác. Thực trạng này đã làm cho nông sản nước ta chịu nhiều thiệt thòi, nguồn lợi thu về của nông dân từ xuất khẩu rất khiêm tốn).
Tái cơ cấu nông nghiệp là phải đột phá về khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều cần biết là thị trường ngày một đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn, trước hết là truy xuất được nguồn gốc, quản lý được an toàn thực phẩm, quản lý được dịch bệch, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt.
Nói đột phá về khoa học công nghệ không chỉ là việc thay chiếc cày gỗ bằng chiếc cày inox hay chiếc máy cày mà phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo yêu cầu thị trường, sản xuất cái mà thị trường cần. Và nói về thị trường, không chỉ ngoài nước mà còn trong nước, tránh để sân nhà cho người ta giành hết, còn sân khách thì mình đá không lại.
Như một triết gia đã chỉ ra, không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường. Vậy, nếu tìm ra con đường mới cho cánh đồng đất Việt, cho nông dân Việt và dũng cảm bước đi trên con đường đó, dù có thể chưa nắm lấy hạnh phúc cũng hy vọng gợi ra sự giải thoát khỏi bí bách hiện tại.
ĐĂNG QUANG