Nồi đất như nồi đồng

ĐĂNG QUANG 17/04/2017 09:05

Đến nay, qua rà soát Quảng Nam có 45.330 hộ, tỷ lệ 11,13%, trong đó hộ nghèo về thu nhập có 43.996 hộ, tỷ lệ 10,8% và hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản có 1.324 hộ, tỷ lệ 0,33%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam còn cao hơn tỷ lệ hộ nghèo của cả nước (dưới 10%); trong đó hộ nghèo về thu nhập chiếm 96,99% tổng số hộ nghèo, chỉ có chưa tới 3% hộ nghèo có thu nhập nhưng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thật khó để đánh giá kết quả trên chính xác tới mức độ nào bởi có những chuyện “xì xào” trong phương pháp điều tra khảo sát, rà soát.

Theo chuẩn nghèo mới, ngoài thu nhập bình quân đầu người thì việc xác định mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản căn cứ vào 5 tiêu chí là y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin để bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt bao gồm trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, là những cơ sở để bình xét. Trên cơ sở Quyết định số 59/2015/QĐ-TTG ngày 19.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH đã có Thông tư 17 ban hành ngày 28.6.2016 để đưa ra các tiêu chí đánh giá. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế điều tra ở các địa phương khác nhau, đã nảy sinh nhiều điểm bất cập, bất hợp lý, nhất là ở cách tính điểm.

Ví như chuyện tính điểm theo số nhân khẩu trong hộ, hộ càng có nhiều khẩu thì càng ít điểm. Do vậy, nhiều trường hợp hộ có nhiều nhân khẩu là người già và trẻ em vẫn tính điểm bằng hộ có nhiều khẩu là người trong độ tuổi lao động. Chỗ bất hợp lý này là hộ có nhiều khẩu trong độ tuổi lao động thì ít có khả năng nghèo (trừ trường hợp bệnh tật thường xuyên) hơn hộ có nhiều người già và trẻ em (người phụ thuộc).

Nhiều bất cập, bất hợp lý khác là việc tính điểm dựa trên khảo sát về tài sản. Đồng bào miền núi có tài sản giá trị như những bộ chiêng cổ lại không có trong danh mục tính điểm, trong khi lại tính điểm nếu có tài sản như máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa - những thứ mà họ ít có nhu cầu sắm sửa. Thêm nữa, số lượng và giá trị tài sản khác nhau nhưng tính điểm bằng nhau. Hộ có nhiều xe máy cũng bằng điểm hộ có 1 chiếc, xe cũ rạc cũng bằng xe đời mới, ti vi nội địa cũ cũng bằng ti vi màn hình phẳng, tính điểm gia súc không chênh lệch mấy với gia cầm. (Giá trị một con trâu bằng cả trăm con gà thì tính thế nào?). Rồi về nhà ở, ngôi nhà của đồng bào miền núi thường diện tích lớn hơn hộ ở đồng bằng nhưng tính điểm cao hơn thì bất hợp lý vì giá trị tài sản đâu hẳn phụ thuộc vào diện tích. Và đặc biệt là cách tính điểm nhà ở về vật liệu cũng bất cập, ví như nhà cấp 4 tạm bợ cũng bằng bê tông cốt thép có đổ mê.

Mắc nhất có lẽ là việc đánh giá thu nhập thông qua tài sản chưa tính đúng, tính đủ tài sản phát sinh, nhất là hộ sống ở vùng giáp ranh giữa thành thị và nông thôn. Hộ có khẩu tại thành thị nhưng tài sản phát sinh ở nông thôn (trang trại, đất rừng sản xuất) thì không tính điểm được vì không có trong danh mục tài sản của hộ thuộc khu vực thành thị. Rõ ràng ngay việc đánh giá tài sản theo không gian sinh tồn còn có chỗ bất cập.

Với vài chuyện đơn cử nêu trên có thể thấy ở một số tiêu chí, cách quy đổi tính điểm đã có phần cào bằng, nồi đất cũng như nồi đồng. Đó là chưa nói, có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác và còn phụ thuộc vào cách nhìn, cách đánh giá của mỗi người.

Việc rà soát đánh giá cho đúng tỷ lệ hộ nghèo có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng để thiết kế chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đồng thời định hướng cho các chương trình phát triển. Bởi “con số thống kê là con số có linh hồn”, dựa vào đó để hoạch định chính sách. Thiết nghĩ, từ những bất cập, bất hợp lý được đúc kết qua thực tế điều tra, rà soát hộ nghèo, các ngành chức năng cần đề xuất thang điểm và cách tính điểm hợp lý; cần rà lại các tiêu chí để tính điểm vừa phù hợp theo chuẩn nghèo mới vừa phù hợp với thực tế địa phương.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG