Sang tên đổi chủ

ĐĂNG QUANG 12/12/2016 09:11

Nghe chuyện báo chí đưa tin về việc sang tên đổi chủ cho xe cộ đi lại cũng hơi lo. Lại nói, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành xử phạt chủ phương tiện mô tô, xe gắn máy không sang tên đổi chủ từ 1.1.2017 với mức phạt 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân và 200 - 400 nghìn đồng với tổ chức, càng cuống quýt. Bởi tết nhứt sắp tới, vào mùa chạy chợ kiếm đồng tiền chạp mả, lo cái áo, đôi dép cho con, những người nghèo với chiếc xe máy cà tàng không chính chủ có cơ bị phạt thì càng thêm khổ.

Thực ra, việc quy định phải sang tên đổi chủ cho ô tô, mô tô đưa ra từ rất lâu rồi. Nhưng ban đầu gây bàn cãi giữa các cơ quan chức năng và dư luận, sau đó việc thực hiện còn hạn chế. Trong khi số lượng phương tiện thì mỗi ngày mỗi tăng, khó kiềm chế tai nạn giao thông và đặc biệt khó điều tra về chủ phương tiện. Bởi, như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin trên báo chí rằng, trong nhiều vụ tại nạn giao thông xảy ra, lực lượng chức năng rất khó khăn khi truy tìm chủ xe. Có nhiều trường hợp người ta bán qua 17 - 18 chủ rồi nhưng khi tìm đến người thứ 16 - 17 thì không thể tìm được nữa. Do thế, việc buộc phải đi xe chính chủ có cái lý của nó và cảnh sát giao thông nhiều địa phương đã bắt đầu xử phạt trong hai trường hợp: thứ nhất, thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; thứ hai, thông qua công tác đăng ký xe (được tặng cho, phân phối hay mua bán mà không sang tên đổi chủ theo hạn định thì bị phạt).

Tuy vậy, đúng là có chuyện bi hài khi truy tìm chính chủ của chiếc xe máy. Nói như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh tìm đến người thứ 16, 17 đã ghê, mà còn kinh hơn như có người phát hiện kẻ sống sờ sờ lại đi xe của... ma, vì chủ chiếc xe đã khuất bóng tự khi nào. Vì thế, đành phải chấp nhận giấy tờ bán xe chỉ là của người cuối cùng sử dụng mà thôi.

Có khó cách gì thì vẫn phải tìm cách quản lý xe máy. Một thống kê cho biết Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu mô tô, xe máy các loại; bình quân 2 người dân có một xe máy. Và nếu chia theo chiều dài đường sá thì có khoảng 2 ngàn xe trên một cây số. Số người sử dụng xe máy khá đông đảo, chiếm khoảng 80% dân số Việt Nam, nên canh cánh về nỗi lo tai nạn, tắc đường. Và, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Buộc sang tên đổi chủ và đăng ký lại để quản lý là chuyện đương nhiên.

Vấn đề cần nói thêm là trách nhiệm của cơ quan chức năng trước khi đưa giấy phạt xe không chính chủ. Đó là chuyện tạo điều kiện tối ưu về thủ tục thuận lợi, giải quyết nhanh chóng, thuận tiện với việc sang tên đổi chủ. Mặt khác, cần các giải pháp công nghệ trong quản lý hồ sơ xe, khiến việc truy xuất nguồn gốc xe, đăng ký xe được khoa học, chặt chẽ, để dễ dàng truy tìm chủ xe gây tai nạn hoặc vi phạm an toàn giao thông. Chính sách bảo hiểm cũng phải ràng buộc với chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Bà con nghèo sắm được chiếc xe máy để làm phương tiện mưu sinh, cũng nên thay đổi ý thức về việc chính chủ, cần sang tên đổi chủ khi mua xe máy. Đừng vì tiếc mấy đồng bạc lệ phí giấy tờ mà cầm chiếc xe mang tên người khác để đi lại lâu dài, gây rắc rối cho cơ quan quản lý khi có vấn đề gì xảy ra.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG