Ngày không ăn thịt và phóng sanh
Ngày mai (16.8), theo dự kiến của chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản và hội Hoa đăng báo hiếu năm 2016, tại Hội An sẽ diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày không ăn thịt. Nhằm phục vụ hoạt động này, thành phố dự kiến sẽ tổ chức các gian hàng ẩm thực chay để phục vụ du khách và nhân dân.
Vì đâu mà Hội An có ý tưởng thú vị này? Có thể tìm hiểu thông điệp phát đi là Ngày không ăn thịt giúp tăng cường ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, đồng nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa thói quen ăn uống với sức khỏe và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, việc chuyển đổi từ ăn thịt sang ăn chay góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và mắc bệnh từ 10% đến 15%, làm chậm hiện tượng lão hóa của các tế bào cơ thể, làm giảm từ 20% đến 50% các chứng bệnh phì nộn, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư; các bệnh về thận, sa sút trí nhớ, viêm khớp, bệnh trĩ, ruột thừa…
Thông cáo báo chí cũng nêu số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 55 tỷ sinh vật sống trên mặt đất và 1.000 tỷ sinh vật dưới nước bị sát hại để phục vụ cho nhu cầu của hơn 7 tỷ người trên thế giới. Vì vậy, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã đưa ra quy định về “Ngày không ăn thịt hàng tuần” như Ghent (Bỉ), San Francisco, Philadelphia, Los Angeles (Mỹ)…
Như thế, có thể hiểu việc khuyến cáo không ăn thịt cũng là cách để con người khỏi phải sát sanh mà hướng tới phóng sanh. Phóng sanh, với những người theo đạo Phật, là một phương tiện để tu tập. Phật dạy đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do, không giết hại chúng.
Chuyện nghe hay vậy nhưng tại sao lại có người bắt chim rồi bán cho người khác phóng sanh? Như một tờ báo phản ánh, dịp rằm tháng Bảy, mùa Vu lan báo hiếu, có nhiều người bẫy chim rồi đem đến trước cổng chùa bán cho những người đi lễ Phật để phóng sanh. Sau đó, họ bẫy trở lại những chú chim người ta vừa thả ra rồi đem bán tiếp. Còn người đi chùa vô tình không biết nên vẫn mua, và tiếp tục làm lợi cho bọn bẫy chim.
Kể về hành động bẫy chim, có chuyện rất ác. Như có người dùng vỏ lon bia giấu chiếc loa nhỏ phát ríu rít tiếng chim sẻ để câu nhử các chú chim bay đến một cây da trước cổng chùa. Sát cạnh lon bia, họ gài thanh tre bôi đầy chất keo nên khi chim đậu vào thì bị dính chặt, hết đường bay thoát nên chỉ còn nước chúi đầu xuống đất, chờ người bẫy tới bắt. Ôi, tiếng gọi bầy với công nghệ mới đã thành cái bẫy hủy diệt đau đớn cho những chú chim sẻ.
Với nhiều cách bẫy, bắt hiện đại, nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt nòi. Mùa Vu lan mà trương bảng “bán chim phóng sanh”, đã thấy rờn rợn, vậy mà nhiều người còn xông vào sân chùa níu kéo khách để bán. Có người nói đó là chuyện mưu sinh, vì khổ cực quá nên mới bẫy chim đi bán như thế. Tệ hơn, có người bắt chim cắt cụt đuôi và cánh khiến khi được thả ra thì chim không bay nổi mà chỉ lởn vởn một chỗ, rồi lại bị những người đó bắt đem bán tiếp. Vậy mà vẫn có người mua chim đó để phóng sanh vì họ nghĩ là làm điều thiện. Và, một vòng quay oan nghiệt tiếp diễn là người thì bắt chim nhốt vô lồng, người khác mua lại thả cho nó bay đi. Sâu xa của vấn đề phải chăng còn có khía cạnh kinh tế, có cầu ắt có cung, vì có người muốn theo tục phóng sanh thì có kẻ đáp ứng. Những người bắt chim lấy đó làm nguồn thu nhập thì việc phóng sanh của người khác hóa ra lại tiếp tay cho cái ác.
Nhiều vị chân sư và các nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng, tục phóng sanh đang biến thái những vấn đề hết sức phản cảm với tín ngưỡng. Bởi, một khi con người đầy tham lam, thù hận, đầy lòng đố kỵ tranh giành hơn thua thì việc mua vài con chim đem tới chùa thả chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi nhà Phật quan niệm phóng sanh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham lam, đố kỵ hơn thua, cái tâm thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do, cuộc sống được bình yên.
Hãy bắt đầu từ Vu lan này: Ngày không ăn thịt, không bẫy chim để phóng sanh!
ĐĂNG QUANG